Thủ tục khai thác cát phức tạp như khai thác vàng?

Thủ tục khai thác cát phức tạp như khai thác vàng?
TP - Tại Hội thảo trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với đại diện UBND 63 tỉnh, thành. Góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về khoáng sản diễn ra hôm qua, nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản đã được các địa phương nêu thẳng thắn. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, thời gian qua, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều vấn đề rất bức xúc, phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Ông Nguyễn Đinh Xuân, Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh chia sẻ, tài nguyên khoáng sản của địa phương này chủ yếu là vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi. 

Tuy nhiên thủ tục xin cấp phép khai thác cát cũng phức tạp như thủ tục xin cấp phép khai thác vàng, riêng tư vấn chuyên môn đã gồm nhiều thủ tục như phải có bản vẽ mặt bằng, khoan thăm dò, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng và thời gian kéo dài hàng năm trời. Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều tiêu cực và lãng phí xã hội như đẩy giá vật liệu lên cao.

Ông Xuân đề nghị có sự phân loại những khoáng sản có giá trị cao như vàng, bạc, dầu mỏ, đá quý với những khoáng sản như cát, sỏi. Với khoáng sản có giá trị cao cần quản lý chặt chẽ, những khoáng sản khác có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Ông Trần Nguyên, Phó giám đốc Sở TN&MT Bắc Kạn nói thêm, địa phương này rất cần cát, sỏi để làm các công trình hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới. 

Cát, sỏi ở địa phương miền núi này chủ yếu phân bố ở lòng sông, khe suối với trữ lượng nhỏ, lẻ, không thể gọi là mỏ. Vì thế, theo ông Nguyên, thay vì phải làm thủ tục xin cấp phép khai thác thì chỉ nên làm thủ tục đăng ký khối lượng, công suất và vị trí khai thác để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát và thu các loại thuế, phí. 

Đại diện Sở TN&MT Hải Dương nêu thêm ví dụ, khai thác cát bờ sông, đất bãi ngoài đê có độ sâu 1,5-2 mét cũng phải làm đầy đủ các thủ tục như cấp phép thăm dò trữ lượng, cấp phép khai thác, rất không phù hợp với thực tiễn và gây tốn kém, nhiều khi làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. 

Có trường hợp xin cấp phép xong thì cát tặc đã khai thác trước rồi. Địa phương này kiến nghị phải có quy trình làm thủ tục với riêng loại khoáng sản này.

MỚI - NÓNG