Chiều 5/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược", với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, kết quả nổi bật trong 9 tháng vừa qua là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, đạt kết quả khá cao so với các nước. Theo ông, có 4 “điểm sáng” để nền kinh tế vượt qua được những "cơn gió ngược".
Cụ thể, ông Phương đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước; kế đến là việc điều hành lạm phát, giá cả; và giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương |
“Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50%”, ông nói. Đồng thời, ông cũng cho rằng, “điểm sáng” thứ tư phải kể đến là những kết quả về đối ngoại - nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
Cùng quan điểm, song đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh thêm một số "điểm sáng" sau những con số không dễ nhìn ra. Trong đó, phải tính đến nỗ lực và nguồn lực chúng ta bỏ ra. Điển hình như Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cả bằng thể chế, bằng tiền, như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn các nghĩa vụ tài chính…với khoảng 150 nghìn tỷ.
Bên cạnh đó, theo ông, là sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và các địa phương cùng chung tay để giảm bớt khó khăn, vượt qua thách thức. “Qua tiếp xúc, tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức mà không ỷ lại vào Chính phủ”, ông Hiếu nói.
“Trong khoảng tháng 7-8, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Đây là những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ”, ông Hiếu nhận định.
Chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp đang có những tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai. Ảnh Như Ý |
Cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân
Trong bối cảnh với rất nhiều thách thức hiện nay, TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cho rằng, “niềm tin đang tăng lên mạnh mẽ”, và đang có một “tâm thế mới” sẵn sàng cho tương lai.
Ông cũng cho rằng, việc đổi mới mô hình kinh tế cũng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, nên đòi hỏi vai trò của Chính phủ thời gian tới rất lớn. “Tôi đã trải qua thời kỳ đổi mới lần thứ nhất, và trong lần đổi mới 2 này, dù đang có vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra”, ông Khương nhận định.
Mặc dù vậy, ông Khương cũng cho rằng, những khó khăn thách thức hiện vẫn đang tiếp diễn, vĩ mô toàn cầu chưa có sự ổn định, lạm phát giá cả toàn cầu, các chính sách tài khoá tiền tệ rất khó đoán định, phải theo dõi chặt chẽ để điều hành linh hoạt.
Theo ông, hiện doanh nghiệp đang phải đối diện với những vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, như tiêu chí xanh trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó là mô hình doanh nghiệp, theo ông, việc mở rộng mô hình truyền thống không còn phù hợp, mà phải nghĩ đến những cái mới, mô hình mới.
“Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ vừa qua đem lại nhiều động lực, ngành nghề mới, như sản xuất chip bán dẫn, đây cơ hội rất lớn cho chúng ta”, ông Khương nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. “Theo tôi, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân”, ông nhấn mạnh.
Về các kịch bản tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, bất cứ kịch bản nào muốn đạt được cũng đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực rất lớn. Trong đó phải thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập, đồng thời tăng tốc giải ngân đầu tư công, điều hành chính sách tài khoá tiền tệ, linh hoạt và tái cơ cấu lại thị trường lao động.
“Trong thuận lợi bao giờ cũng đều có những khó khăn, ngược lại, trong lúc rất khó khăn, chúng ta vẫn có thể tìm ra cơ hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.