Thứ trưởng Bộ Y tế nói về việc phát hiện ung thư sớm ở Việt Nam

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại nước ta tăng lên khoảng 50% so với trước đây chỉ 20-25%. Phát hiện sớm ung thư cùng với sự tiến bộ của khoa học trong chẩn đoán, điều trị khiến nhiều trường hợp tiên lượng chắc chắn tử vong đã được cứu sống và trở về với cuộc sống.

Khoảng hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi.

Theo ông Thuấn, hiện chưa có thống kê tổng thể về tỷ lệ phát hiện sớm cho các loại ung thư nói chung. Tùy thuộc từng loại bệnh ung thư mà có tỷ lệ phát hiện sớm khác nhau. Chẳng hạn, đa số người bệnh ung thư phổi thường phát hiện muộn. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% so với ngày trước chỉ 20-25%.

“Đây là con số rất ngoạn mục nhờ tuyên truyền phòng bệnh và ý thức của người dân từng bước đã nâng cao lên”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Lấy ví dụ với bệnh lý ung thư dạ dày, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, 5 năm trở về trước, số bệnh nhân ung thư dạ dày đến bệnh viện ở giai đoạn sớm (chỉ cần mổ cắt hớt niêm mạc dạ dày) chỉ khoảng 2-3 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay con số này đã tăng lên hàng trăm ca.

Điều này cho thấy người dân ý thức tốt hơn. Họ đi khám bệnh ngay cả khi không có triệu chứng. Qua đó chúng tôi kiểm tra và soi dạ dày, phát hiện sớm tổn thương ung thư. Việc điều trị rất đơn giản, chỉ cắt hớt niêm mạc, không phải mổ mở, mổ nội soi, bệnh sẽ được chưa khỏi.

Theo chuyên gia, tỷ lệ chữa khỏi ung thư cao hay thấp tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm hay muộn là chính. Thứ hai, khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, thể mô hợp, sự đáp ứng trong điều trị...

Phát hiện càng sớm ung thư thì việc điều trị càng đơn giản, nếu phát hiện bệnh muộn thì phải phối hợp nhiều mô thức. Chẳng hạn, với ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì bệnh nhân chỉ cần được khoét chóp là khỏi, chi phí điều trị đơn giản, rẻ tiền. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân vừa phải phẫu thuật vừa phải xạ trị, chi phí tốn kém, điều trị phức tạp hơn.

Khi đó, khả năng sống thêm của bệnh nhân cũng giảm xuống. Khi phát hiện bệnh giai đoạn 2-3, ước tính tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của người bệnh là 60%. Thậm chí nếu muộn hơn, khi ung thư đã di căn rồi, biện pháp cuối cùng là dùng thuốc, không xạ trị, không mổ xẻ được, phối hợp nhiều thuốc thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng để nâng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm, nâng tỷ lệ chữa thành công bệnh ung thư trong thời gian tới thì bảo hiểm y tế cần vào cuộc, có thể chi trả chi phí sàng lọc một số bệnh ung thư thường gặp.

Chuyên gia khuyến cáo, từ tuổi 40 trở lên ở cả hai giới nam nữ có sự gia tăng tỷ lệ ung thư nên cần tầm soát. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp giúp bệnh nhân có thể khỏi bệnh, sống khỏe mạnh lâu dài.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.