Bệnh nhân phi công tâm sự với bác sĩ về hoàn cảnh gia đình

Bệnh nhân phi công tâm sự với bác sĩ về hoàn cảnh gia đình
TPO - Chiều 17/6, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, khi ông đến thăm bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, bệnh nhân khẳng định không có gia đình, không có bố hay anh em, mẹ đã mất. Anh xúc động, cho biết: "Tôi sẽ cố gắng tập luyện"!

Theo đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê kể khi ông vào thăm bệnh nhân 91 là nam phi công đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì bệnh nhân rất tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nói chuyện mạch lạc. Bệnh nhân đang được điều trị nội khoa, tình trạng nhiễm trùng đã hết, sức cơ tay, chân và hô hấp đều bình phục.

"Bệnh nhân hồi phục tốt. Đến giai đoạn này không nghĩ đến phải ghép phổi nữa", ông Khuê nói.

Ông Khuê cho biết khi ông nói lời chúc "mau khỏe để có thể trở về Anh", bệnh nhân đã phản xạ rất nhanh, đáp lại quê hương của anh ở Scotland (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland-PV)

"Điều này cho thấy phản xạ, hồi phục thần kinh của bệnh nhân như bình thường, không ai nghĩ anh ta vừa hôn mê hai tháng", ông Khuê nói.

Bệnh nhân khẳng định không có gia đình, không có bố hay anh em, mẹ đã mất. Anh xúc động, cho biết "tôi sẽ cố gắng tập luyện".

Tại phòng bệnh, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đã động viên bệnh nhân và mong muốn bệnh nhân phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế trong quá trình điều trị.

Thay mặt tiểu ban Điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nam phi công. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện tiếp tục cố gắng nỗ lực để điều trị, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.

Sức cơ 2 tay gần bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, đang tập cho bệnh nhân đứng với sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Đây là một tiến bộ mới rất đặc biệt của bệnh nhân này, bởi chỉ vài ngày trước sức cơ chân của anh chỉ hồi phục ở mức 2/5, bệnh viện dự đoán anh phải mất nhiều tuần mới hồi phục được.

Bệnh nhân nam phi công hiện đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. Điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.

Trước đó, bệnh nhân đã lần đầu mỉm cười với các nhân viên y tế vào ngày 4/6, đến ngày 8/6, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân, đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.

Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 90 ngày điều trị, là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM 65 ngày. Khi khỏi COVID-19, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22/5. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO vào sáng 3/6, ngưng thở máy sáng 12/6.

MỚI - NÓNG