Thủ phủ quất miền Trung 'dè dặt' vụ Tết

0:00 / 0:00
0:00
Đến nay mới có 30% số quất được thương lái đặt cọc mua khiến người dân ở “thủ phủ” quất cảnh Cẩm Hà nhấp nhổm
Đến nay mới có 30% số quất được thương lái đặt cọc mua khiến người dân ở “thủ phủ” quất cảnh Cẩm Hà nhấp nhổm
TP - Làng Cẩm Hà, TP Hội An (Quảng Nam) được xem là thủ phủ quất miền Trung với hàng trăm hộ chuyên trồng quất cảnh, phục vụ thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Huế… mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Mọi năm thời điểm này làng quất cảnh Cẩm Hà tấp nập thương lái tìm về “giành” nhau đặt hàng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng quất phục vụ thị trường Tết giảm hẳn.

Năm nay bà Nguyễn Thị Lan (ở thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) đầu tư 300 triệu cho 600 gốc quất. Tuy nhiên trận mưa lũ vừa qua khiến 500 cây bị chết, chỉ còn lại 100 chậu để bán. Bà nhẩm tính với giá 400-500 nghìn đồng/chậu thì trừ tiền giống, phân bón, nhân công may ra lấy lại vốn. “Dịch dã hoành hành rồi mưa lụt, nay thêm giá phân bón tăng cao nên không hy vọng lãi lời gì nữa”, bà Lan thở dài.

Lường trước tình hình dịch COVID-19, anh Nguyễn Đức Thành (47 tuổi, ở thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà) chỉ đầu tư một nửa số quất so với năm ngoái. Hiện, vườn quất hơn 150 chậu của anh đã được thương lái đặt cọc với giá từ 500 đến 1 triệu đồng/chậu. Anh hy vọng mọi thứ diễn ra suôn sẻ có thể thu về vài chục triệu sau một năm chăm bẵm. “Năm nay quá nhiều cái khó ập đến. Ngoài dịch bệnh, sợ nhất là giá cả mọi thứ tăng chóng mặt, người dân khó đường xoay xở”, anh Thành nói.

Vườn quất hơn 200 gốc của ông Nguyễn Luyến bắt đầu chín vàng. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, những chậu quất của ông sai trái, chín đúng dịp Tết. “Thương lái đặt cọc rồi nhưng cũng chưa thật yên tâm đâu. Họ cọc mấy triệu bạc mà cận Tết mới ra chở, trong khi dịch dã phức tạp, vùng xanh hoá đỏ họ chối cũng biết làm sao”, ông Luyến nói.

Ông Nguyễn Thành Được - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay, cả xã có khoảng 400 hộ trồng quất. Năm nay, do tình hình dịch phức tạp nên người dân chủ động giảm bớt số lượng phục vụ thị trường Tết. Có khoảng 30% quất đã được thương lái đặt cọc mua tại các nhà vườn.

Theo ông Được, trồng quất là nghề lâu năm của người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên năm nay người dân gặp quá nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh, cộng với chi phí chăm bón, nhân công tăng, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập.

“Mọi năm địa phương tổ chức ngày hội quất để người dân đưa sản phẩm đến trưng bày, quảng bá và bày bán. Đồng thời có văn bản gửi các địa phương khác tạo điều kiện cho người dân vận chuyển, tiêu thụ. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên cũng chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Được cho hay.

MỚI - NÓNG