Thu phí không dừng - cuộc cạnh tranh khốc liệt

Thu phí không dừng - cuộc cạnh tranh khốc liệt
TP - Để giải toả cho các bức xúc và cao hơn là hướng đến sự minh bạch các dự án BOT, thu phí tự động không dừng (TPKD) là giải pháp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, ngay cả trong địa hạt này, sự cạnh tranh đã và đang trở nên khốc liệt, không còn chỗ cho sự độc quyền.
Thu phí không dừng - cuộc cạnh tranh khốc liệt ảnh 1

Triển khai công nghệ thu phí không dừng RFID tại trạm thu phí Hoà Phước - Đà Nẵng.

Cuộc cạnh tranh ngầm quyết liệt

Trong cuộc đàm phán công khai mới đây, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, các chủ đầu tư BOT thường viện dẫn lý do hiện chỉ có Tasco - VETC độc quyền cung cấp công nghệ TPKD nên giá thành cao. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ GTVT đã chấp thuận cho CadPro - một đơn vị mới vào cung cấp thiết bị nên không thể xem là độc quyền. Ông Huyện kiên quyết: Nếu vào ngày 30/10, các nhà đầu tư BOT thuộc diện bắt buộc lắp đặt không vận hành được hệ thống TPKD sẽ buộc phải dừng thu phí.

Ngoài liên danh Tasco – VETC và CadPro, hiện có hàng loạt các DN khác đang sẵn sàng nhảy vào cuộc đua TPKD. Cụ thể, ngày 19/4/2017, VietinBank đã gửi Bộ GTVT văn bản đề nghị triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng công nghệ RFID ngay trên các dự án mà Vietinbank tài trợ vốn.

Đề xuất này chưa được chấp thuận ngay vì VietinBank chưa được Bộ GTVT lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án TPKD. Tuy nhiên, trước đó, Bộ GTVT giao Liên danh VietinBank và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (ViettinF) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án TPKD. Vì thế, việc ViettinF tham gia vào cuộc đua chỉ là vấn đề thời gian.

Ngoài ra, vào tháng 6/2017, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã triển khai TPKD. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cục bộ, không liên thông dữ liệu trên toàn quốc như yêu cầu của Bộ GTVT.

Một tên tuổi khác là Cty Viễn thông Việt Vương (Việt Vương Telecom) tại Hà Nội cũng đã chuẩn bị tham gia.  Hiện Việt Vương Telecom đã nghiên cứu công nghệ thu phí RFID giống như Tasco - VETC. Tuy nhiên, Việt Vương Telecom chưa ứng dụng thực tế trên trạm thu phí.

Trong khi đó, Cty Thương mại Dịch vụ Xuân Phi (TP HCM) đã triển khai trên thực tế từ rất sớm. Theo đó, các trạm thu phí của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Cở sở hạ tầng Bình Phước đã áp dụng công nghệ RFID của Xuân Phi từ năm 2009 tại 4 làn thu phí. Ba trạm thu phí khác trên QL13 cũng đang áp dụng công nghệ thu phí RFID của Xuân Phi. Dù chưa chưa kết nối với dữ liệu chung toàn quốc nhưng Xuân Phi có khả năng sẽ triển khai xin thủ tục cấp phép dự án từ Bộ GTVT.

Thu phí không dừng - cuộc cạnh tranh khốc liệt ảnh 2 Triển khai dán thẻ Etag, đăng ký tài khoản dịch vụ thu phí không dừng.

Tasco – VETC chật vật tiên phong

Đến thời điểm này, liên danh Tasco – VETC là doanh nghiệp (DN) quy mô lớn nhất về TPKD tại Việt Nam. Hiện Tasco - VETC được cấp phép chủ trì triển khai và kết nối 29 trạm thu phí trên QL1A và QL14; liên danh này cũng triển khai mở tài khoản cho hàng vạn phương tiện. Hành trình đến với TPKD của liên danh này được đánh giá hết sức bài bản nhưng cũng đầy gian nan.

Ngày 20/6/2014, Thủ tướng chính thức có văn bản đồng ý chủ trương triển khai Đề án ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành và khai thác hệ thống quốc lộ trọng yếu trên cả nước. Ngay sau đó, Bộ GTVT thành lập tổ công tác liên ngành khảo sát thực trạng TPKD trên toàn quốc và Đài Loan (quốc gia có hệ thống TPKD hiện đại, triển khai diện rộng).

Tháng 8/2014, Bộ GTVT giao cho BIDV triển khai áp dụng công nghệ TPKD cho các trạm thu phí trên QL1A và QL14. Tuy nhiên, hướng đi này gặp nhiều rào cản: BIDV phải được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước mới có thể đầu tư; bản thân BIDV chưa có kinh nghiệm làm chủ đầu tư trực tiếp dự án theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, các đại gia công nghệ như  FPT, Viettel hay VNPT chỉ mong muốn là nhà cung cấp giải pháp.

Lúc này, Tasco – VETC xuất hiện, đăng ký tham giá đầu tư và được Bộ GTVT chấp thuận cho thực hiện thí điểm tại 3 trạm thu phí Hoàng Mai (Nghệ An), Quảng Bình và Đắk Nông vào tháng 11/2014 bằng công nghệ RFID – công nghệ thu phí tự động hiện đại, phổ biến trên thế giới.

Bốn tháng sau, liên doanh này hoàn thành triển khai thí điểm và được Viện Khoa học Công nghệ GTVT đánh giá đạt yêu cầu. Trên cơ sở đó, tháng 8/2015, Bộ GTVT báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho triển khai đại trà thu phí không dừng theo công nghệ RFID trên QL1A và QL14 vào tháng 11/2015.

Song song với quá trình lựa chọn công nghệ, tháng 3/2015, liên danh Tasco - VETC đề xuất dự án thu phí tự động không dừng  theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) và được Bộ GTVT chấp thuận trình Thủ tướng.

Tháng 5/2015, Thủ tướng đồng ý chủ trương và cho phép áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tạo cơ chế cạnh tranh, kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia, tháng 6/2015, Bộ GTVT công bố danh mục dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực mới nên vẫn chỉ có Tasco – VETC nộp hồ sơ.

Trên cơ sở đó, Tasco -  VETC hoàn thành đề xuất dự án trình bộ GTVT và các bộ chuyên ngành khác thẩm định. Tháng 3/2016, Bộ GTVT chính thức phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư là liên danh Tasco – VETC. Sau 4 tháng thẩm định hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng ý cấp chứng nhận đầu tư cho liên danh này.

Dù ký hợp đồng BOO chung với Bộ GTVT (Tasco – VETC được vận hành TPKD tại 29 trạm) nhưng để triển khai, liên danh này phải trải qua hàng loạt vòng đàm phán khó khăn về giá, về cách thức triển khai với các chủ đầu tư BOT.

Dù đã triển khai đúng quy trình nhưng nhiều nhà đầu tư BOT viện dẫn các lý do, trong đó một số nhà đầu tư cho rằng Tasco – VETC độc quyền nên trì hoãn thực hiện. Trong khi đó, lý do chính được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ ra: Các nhà đầu tư không chịu minh bạch về thu phí.

Tại cuộc họp về TPKD mới đây, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu: Thực hiện mục tiêu mỗi xe chỉ cần dán một thẻ Etag (thẻ nhận diện xe và chứa tài khoản nộp phí tự động trong công nghệ RFID) để chạy trên mọi tuyến đường, không phải quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí. Bộ trưởng Nghĩa khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng.

MỚI - NÓNG