Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc.
Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, cao tốc sẽ được tiến hành thu phí khi đảm bảo ba điều điều kiện gồm: Công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 12 dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng đủ điều kiện thu phí. Cụ thể là cao tốc Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Có 12 dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư đủ điều kiện thu phí từ 1/10. |
Về mức phí, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất đường cao tốc có bốn làn xe mức phí thấp nhất là 1.300 đồng/km; cao nhất là 5.200 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km; cao nhất là 6.000 đồng/km.
Với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom…) có mức phí như sau: Cao tốc có 4 làn xe hạn chế, mức phí thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 3.600 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục, mức phí thấp nhất là 1.000 đồng/km, cao nhất là 4.000 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, mức phí thấp nhất là 1.100 đồng/km, mức cao nhất là 4.400 đồng/km.
Với phương án mức thu như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được có thể đạt 3.210 tỷ đồng mỗi năm. Số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỷ đồng mỗi năm.
Về hình thức thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chủ yếu cơ quan nhà nước sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý, vận hành thu phí. Cục sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường hoặc bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định.
“Những hình thức thu đang được đánh giá kỹ ưu, nhược điểm. Trong trường hợp không thu hút được tư nhân tham gia, Nhà nước sẽ tổ chức, triển khai hoạt động thu. Tới đây sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc, do đó cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí”, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.