Thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách: Không phải vì lợi nhuận?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang gấp rút hoàn thiện Đề án thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo các chuyên gia, việc thu phí là cần thiết trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, mức phí cần hợp lý để không trở thành gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp khi chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao hàng đầu thế giới.

Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới. Theo đó, Nhà nước sẽ thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các tuyến cao tốc.

Thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách: Không phải vì lợi nhuận? ảnh 1

Dự kiến các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ bắt đầu triển khai thu phí từ năm 2025

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT cho biết, Cục đang gấp rút xây dựng Đề án thu phí tại những tuyến cao tốc đầu tư công, đồng thời hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn để triển khai nội dung này. Đây là vấn đề mới ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại của người dân, doanh nghiệp nên cần được thảo luận kỹ lưỡng. Song, quan điểm của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận mà chủ yếu để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.

Về hình thức thu phí, ông Thái cho hay, chủ yếu cơ quan nhà nước sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý, vị vận hành thu phí. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường hoặc bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định.

“Những hình thức thu đang được đánh giá kỹ ưu, nhược điểm. Trong trường hợp không thu hút được tư nhân tham gia, Nhà nước sẽ tổ chức, triển khai hoạt động thu. Đặc biệt, tới đây, triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc, do đó cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí”, ông Thái nói.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến sẽ thu phí tại các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. Các tuyến cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 sau khi hoàn thành cũng sẽ thu phí.

Không để phí cao tốc thành gánh nặng

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc thu phí các dự án cao tốc để có nguồn lực đầu tư dự án mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc thu phí cần được tính toán kỹ lưỡng và có đánh giá tác động cụ thể, đồng thời cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân và doanh nghiệp (DN).

Theo ông Doanh, hiện chi phí logistics ở Việt Nam trung bình ở mức 17% GDP, nhiều năm trước khoảng 18-19%. Đây là mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và châu lục (Nhật Bản chi phí logistics chỉ chiếm 11%/GDP, Singapore 8%, Malaysia 13%, Indonesia 13%)…Thời gian qua, các DN gặp không ít khó khăn từ giảm sức mua, biến động thị trường, khó khăn về tỷ giá. Do đó, nếu mức phí cao đây sẽ là gánh nặng cho DN, làm giảm sức cạnh tranh của DN.

“Hiện, người dân, DN khi tham gia giao thông đã phải chịu phí đường bộ. Bộ GTVT có thể bắt đầu bằng mức thu thấp với khoảng 1.000 đồng/km; đồng thời nên có quy định từng mức đối với các loại xe chở khách, xe chở hàng, tránh tình trạng mức phí cao khiến ô tô chuyển sang đường dân sinh để né phí gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường”, ông Doanh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đồng tình với việc thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bởi nếu không thu phí, phương tiện sẽ gây ùn tắc, hay có thể phá vỡ phương án tài chính của các công trình khác khi chủ phương tiện đổ dồn sang chạy trên tuyến này. Cũng theo ông Quyền, việc thu phí thế nào cần phải xem xét kỹ đặc thù từng tuyến đường, lưu lượng, đồng thời cần nghiên cứu để có mức thu phù hợp với khả năng chi trả của người dân, DN.

“Phí do Nhà nước ấn định nhưng cũng phải dựa trên cơ sở tính toán chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện và hài hòa mức thu phí của những tuyến đường có thể lựa chọn thay thế. Việc thu phí đảm bảo ngân sách có thêm nguồn thu để mở rộng các tuyến cao tốc, song không tạo nặng cho DN, người dân”, ông Quyền nói.

Về mức phí, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đang nghiên cứu các kịch bản, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và chi phí logistics.

“Theo dự kiến từ 1/10, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ đủ điều kiện để thu phí, song triển khai như thế nào, mức thu bao nhiêu phải chờ các đơn vị thảo luận và trình Chính phủ thống nhất”, ông Thái thông tin.

Theo đề xuất trước đây của Bộ GTVT, mức thu phí trên cao tốc Bắc - Nam trung bình là 1.500 đồng/km; cứ mỗi hai năm sẽ tăng 200 giai đoạn 2030-2032; sau đó sẽ tăng 300 đồng mỗi hai năm lên mức 2.400 đồng giai đoạn 2033-2035. Đại diện Bộ GTVT cho PV Tiền Phong biết, mức thu phí dự kiến sẽ khác nhau ở các cao tốc 2 làn, 4 làn, 6 làn...Mức này đang được tính toán sẽ thấp hơn hoặc bằng với mức phí mà các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP đang triển khai.

MỚI - NÓNG