Thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng, ngành Kỹ thuật hàng không vẫn 'khát' nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/tháng nhưng hàng không của Việt Nam vẫn đang rất "khát" nhân lực kỹ thuật.  

Tại Hội thảo "Đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam" do Trường Đại học (ĐH) Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp), các doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực hàng không đã khẳng định rằng, thị trường hàng không đang dần phục hồi, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát huy hết tiềm năng của ngành.

Thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng, ngành Kỹ thuật hàng không vẫn 'khát' nhân lực ảnh 1

Ảnh: internet

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines hiện nay, thị trường hàng không nội địa vượt khoảng 18% so với năm 2019, thị trường quốc tế đang phục hồi và dự báo cuối năm nay sẽ bằng năm 2019. Khi ngành hàng không thương mại phục hồi sau đại dịch và có kế hoạch phát triển dài hạn, dự đoán nhu cầu nhân viên hàng không sẽ ngày càng tăng, cũng như nhu cầu liên tục về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, đối với thị trường Đông Nam Á trong vòng 20 năm tới cần bổ sung khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật hàng không bởi số lượng máy bay tăng gần gấp đôi, do đó nhu cầu về bảo dưỡng tàu bay là rất lớn.

Đối với thị trường Việt Nam, các hãng hàng không đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh và đang tìm kiếm bổ sung nhân lực tại các cơ sở bảo dưỡng, trong đó Vietnam Airlines dự kiến tuyển dụng lên tới hàng trăm kỹ sư mỗi năm. Đặc biệt, Vietnam Airlines đang chuẩn bị cho cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành, nên nhu cầu tuyển nhiều hơn.

Đánh giá về chất lượng đào tạo ngành kỹ thuật hàng không, ông Thắng cho hay hãng tuyển dụng nhân lực từ các cơ sở đào tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM và từ một số trường Cao đẳng. Sinh viên hiện nay ra trường có điểm mạnh như nắm tương đối vững chuyên môn, lý thuyết; ngoại ngữ tốt tiếp cận được tài liệu, thông tin của các hãng hàng không quốc tế, nhà sản xuất tốt, giao tiếp tốt.

Nhưng có hạn chế là kinh nghiệm thực tế ít. Tuy nhiên, các công ty hàng không có thể bù đắp được.

"Đào tạo nhân viên kỹ thuật hàng không cũng như đào tạo một bác sĩ, sau khi ra trường phải mất 5 năm để có thể làm độc lập, ký sổ sau khi sửa chữa tàu bay. Khi được ký sổ độc lập, thu nhập của kỹ sư kỹ thuật hàng không từ 40 – 50 triệu đồng/tháng. Mới ra trường thì thấp hơn. Còn nếu là đại diện cho các nhà sản xuất thì mức lương rất cao. Vị trí này phải thực sự phải có chuyên môn", ông Thắng nói.

Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, kế hoạch phát triển đội tàu bay rất mạnh. Tuy nhiên năng lực bảo dưỡng tàu bay, động cơ, thiết bị máy bay hiện nay tại Việt Nam còn ở mức hạn chế.

Hiện nay, với cơ sở hạ tầng hiện có, tại Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO – thuộc Vietnam Airlines) là có thể có năng lực bảo dưỡng tàu bay (Airframe) ở mức không hạn chế cho các loại máy bay A350, B787, A320/A321, ATR72...

Các hãng hàng không khác hiện nay phần lớn mang tàu bay đi nước ngoài bảo dưỡng (do năng lực bảo dưỡng của VAECO đã chạm ngưỡng về cơ sở hạ tầng). Các nội dung bảo dưỡng, sửa chữa đang phải phụ thuộc toàn bộ vào các tổ chức bảo dưỡng nước ngoài.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho cơ sở đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của ICAO (các tiêu chuẩn hàng không quốc tế) tương đối lớn. Hiện nay, chương trình đào tạo cho các nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (AMT), nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không (ARS) của Việt Nam mới đang tiệm cận được các tiêu chuẩn của ICAO. Công tác huấn luyện đào tạo đang được thực hiện trên các máy bay đang khai thác do đó rất khó để thực hiện huấn luyện các kỹ năng phức tạp.

GS.TS Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính Trường ĐH Việt Pháp cho biết, các cơ sở đào tạo cần cập nhật về nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời phải có sự kết nối sinh viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo về hàng không với các doanh nghiệp về mặt đào tạo, thực tập và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.

Thống kê của ĐH Bách khoa Hà Nội cho thấy, tại Việt Nam, có 2 môi trường đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành kỹ thuật hàng không gồm: các đơn vị đào tạo dân sự (Học viện Hàng không VN (1978, 2006); ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Bách khoa tp HCM (1998); ĐH Việt – Pháp (USTH) (2018);Đại học công nghệ (ĐHQG HN) (2019);ĐH Bách khoa Đà Nẵng (2021); Công ty AESC; Trung tâm đào tạo các Hãng hàng không: VAECO, Vietjet Air, Bamboo Airways); các đơn vị đào tạo quân sự (Học viện Phòng không – Không quân;Học viện Kỹ thuật quân sự; Trường sĩ quan không quân; Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX); Viện công nghệ Vũ trụ (VAST); Trung tâm Vũ trụ Quốc gia (VNSC) (VAST); Viện KHCN Quân sự; Viện KT Phòng không – Không quân). Ngoài ra nhiều đơn vị tư nhân cũng bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến hàng không vũ trụ.

MỚI - NÓNG