Thu nhập bình quân người Việt đạt gần 2.000 USD/năm

Thu nhập bình quân người Việt đạt gần 2.000 USD/năm
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GDP của Việt Nam hiện lên gần 176 tỷ USD và trong năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 20%.

Thu nhập bình quân người Việt đạt gần 2.000 USD/năm

> Đường sắt Việt Nam dừng chạy 6 đôi tàu vì lỗ
>Nhiều sai phạm tại Tổng Cty Đường sắt 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GDP của Việt Nam hiện lên gần 176 tỷ USD và trong năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 20%.

Phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi tăng trưởng và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Với mức tăng GDP đạt 5,4% trong năm 2013 (trung bình 3 năm là 5,6%), quy mô kinh tế hiện tại của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD.

Như vậy, so với mức thu nhập 1.600 USD được Thủ tướng thông báo tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, thu nhập của người Việt Nam đã tăng gần 23% trong một năm và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD vào năm 2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô. Ảnh: P.V
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô. Ảnh: P.V.
 

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Chính phủ cho biết Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở 7%. Bội chi ngân sách năm 2013 – 2014 được nâng lên 5,3% nhưng sẽ điều chỉnh giảm dần từ năm 2015. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ kiểm soát chặt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế…

Bên cạnh đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đó, với tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiếp tục cổ phần hóa các nhà băng quốc doanh, dự kiến bán tiếp cổ phần của 4/5 đơn vị đã cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 – 2015, hoàn thành vào năm 2020.

Về xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Thủ tướng cho biết Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm tới, đưa con số xử lý được trong năm 2013 – 2014 lên khoảng 130.000 - 180.000 tỷ đồng. “Phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu về 3%”, Thủ tướng phát biểu. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 9/2013, nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 4,6%.

Với doanh nghiệp Nhà nước, sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính nhằm mục tiêu hai năm tới sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành. Thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 5 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90.

Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng. Ảnh: PV
Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng. Ảnh: PV.
 

“Dự kiến sẽ cổ phần hóa đến năm 2015 sẽ cổ phần hóa 500 doanh nghiệp, 600 doanh nghiệp còn lại sẽ cổ phần hóa những năm tiếp theo”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Trước những thành tựu và cam kết ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cơ nỗ lực của Chính phủ để đạt những mục tiêu này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự ổn định của nền kinh tế vẫn chưa bền vững nên cần những nỗ lực hơn nữa.

Theo bà Kwakwa, tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn còn chậm chạp, tác động của khu vực nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dung và doanh nghiệp còn thấp, khu vực kinh tế quốc doanh trì trệ.

Vị này khuyến nghị, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tài chính, tạo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

“Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình cải cách kinh tế, tạo điều kiện cho khối tự nhân tham gia cải cách”, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam bày tỏ thêm.

Việt Nam hiện đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, do đó thay vì tổ chức CG với trọng tâm là các nhà tài trợ công bố lượng ODA cam kết cho Việt Nam, thì năm nay lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) với chủ đề “Thiết lập quan hệ đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” nhằm tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

“Từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác phát triển”, Thủ tướng nhận định.


Theo Phương Linh
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG