Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
TPO - Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đặt chỉ tiêu khoảng 6- 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.

Tăng trưởng GDP khoảng 6- 6,5%

Chiều 12/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo nghị quyết, Quốc hội “chốt” tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, một số ý kiến đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng GDP khoảng 6- 6,5% khó hoàn thành; nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5- 5,5%.

Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Theo Chủ nhiệm Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đặt chỉ tiêu khoảng 6- 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.

Để đạt các chỉ tiêu, Quốc hội đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, lưu ý, các cơ quan liên quan tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID -19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Quốc hội yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các lĩnh vực liên quan đến tài sản công, đầu tư công, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quan tâm công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chuyển biến mô hình tăng trưởng

Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, Quốc hội xác định mục tiêu 5 năm tới là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng.

Quốc hội đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 bình quân 3,7% GDP; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32- 34% GDP.

Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Từ nay đến 2025, phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Trong các nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, Quốc hội nhấn mạnh tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Cụ thể, phát triển các loại thị trường: tài chính, quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ…

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2022:

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%.

GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD).

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 04%.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.