Thu ngân sách nhiều địa phương ì ạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Do tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chậm, khiến thu ngân sách của nhiều tỉnh đạt thấp so với dự toán. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp khó khăn, nợ thuế tăng mạnh.

Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách quý 1 do cơ quan thuế quản lý đạt 426,9 nghìn tỷ đồng, bằng 104% so với cùng kỳ năm trước. Có 8 khoản thu dưới mức 28%. Đặc biệt, còn tới 9 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách nhiều địa phương ì ạch ảnh 1

Theo Chủ tịch VCCI, trong khó khăn, điều doanh nghiệp mong muốn ổn định môi trường pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân

Quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong bối cảnh đó, còn 10 địa phương trên cả nước tiến độ thu rất chậm, dưới 20% dự toán như: Tuyên Quang, Phú Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Phước, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.

Cùng với khó khăn chung, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao đã khiến số tiền nợ thuế tăng so với năm 2022. Theo đó, tổng số tiền nợ thuế ước tính đến cuối quý 1 ở mức 145,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh. Tại Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 4/4, nhiều doanh nghiệp phản ánh, còn nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý.

Ví dụ, quy định phòng cháy, chữa cháy còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ. TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chỉ ra: kết quả cải cách môi trường kinh doanh chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhất đó là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đối với dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, nhà đầu tư đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.

“Doanh nghiệp quy mô lớn như những con tàu, không thể phanh gấp. Giảm rủi ro pháp lý chính là tạo niềm tin về việc không có thay đổi đột ngột, cực đoan trong ban hành và thực thi chính sách”, ông Công cho biết.

MỚI - NÓNG