Thu ngân sách khó đạt kế hoạch

Thu ngân sách khó đạt kế hoạch
TP - Trong phiên thảo luận chiều 30/5, nhiều thành viên Chính phủ đã phát biểu giải đáp, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu QH.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

“DN Việt Nam phá sản ít ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp”

Về tỷ lệ thất nghiệp, một số đại biểu băn khoăn trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà tỷ lệ thất nghiệp có 2% thì có chính xác không. Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền lý giải, Bộ đã đi rà soát, kiểm tra ở một số tỉnh và thấy tình hình lao động ở Việt Nam có đặc thù riêng. Phần lớn các DN vừa và nhỏ mới thành lập tuyển lao động chủ yếu từ nông thôn.

Khi DN phá sản, giải thể thì lực lượng lao động này lại trở về nông thôn và vẫn có việc làm và thu nhập nhưng thấp và bấp bênh. Lao động phi chính thức cũng có việc làm và thu nhập nhất định, khác với những nước công nghiệp.

Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp theo số liệu báo cáo là phù hợp. Ngoài ra, trong số DN giải thể thì phần lớn là DN vừa và nhỏ, trong khi chỉ một công ty Samsung tại Bắc Ninh mới được cấp phép hoạt động nhưng thu hút tới 20 nghìn lao động. Do vậy, có thể 10 DN phá sản không bằng một DN thành lập mới.

“Chúng tôi không còn đơn độc”

Giải đáp về kết quả giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, toàn hệ thống đã tích cực tham gia xử lý nợ xấu bằng nhiều giải pháp khác nhau. Các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho DN. Từ tháng 4/2012 đến nay tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại là 284.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng dự nợ.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Năm 2012 tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là gần 70.000 tỷ. Trong 4 tháng đầu năm 2013 tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này là 7.500 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng trích lập dự phòng thêm được 68.000 tỷ để đến cuối năm tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Ông Bình cho rằng, với nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng, chúng ta đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu, kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu trong thời gian qua khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện nhiều.

Thống đốc cũng cho biết, Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt, Chính phủ đã thông qua nghị định thành lập Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Hiện nay NHNN đang triển khai các bước tiếp theo để sớm đưa công ty này đi vào hoạt động.

Theo dự kiến của NHNN trong năm nay công ty này có thể góp phần vào việc giải quyết được từ 40 - 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu. NHNN cũng phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp, trung bình mua nhà xã hội để giải quyết tồn kho thị trường bất động sản. Trong năm 2013, cố gắng giải ngân được ít nhất 15- 20 nghìn tỷ trong tổng số 30 nghìn tỷ đồng.

“Chúng tôi rất cảm động như Chủ tịch QH đã nói Thống đốc NHNN không còn đơn độc, ngành ngân hàng không còn đơn độc nữa và đến nay chúng tôi đã thấy mình không còn đơn độc khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để cùng với hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu”- Ông Bình nói.

“Số liệu có thể chưa chính xác nhưng tin cậy được”

Giải trình về những băn khoăn của các đại biểu QH khi một số số liệu vênh nhau, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nguồn số liệu rất nhiều. Trong tổng số 15 chỉ tiêu QH thông qua thì cơ quan Tổng cục Thống kê được giao 8 chỉ tiêu và công bố 6 chỉ tiêu. Còn lại 9 chỉ tiêu của các bộ, ngành cung cấp.

“Về cơ bản các số liệu chúng ta so sánh và đánh giá có hệ thống, có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy để đánh giá là cơ bản chấp nhận được”- Bộ trưởng Vinh khẳng định. Ngoài ra, số liệu của các ngành phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ sở. Một số số liệu khép kín nên chúng ta không có được căn cứ để bình luận xem chúng có chính xác hay không.

Cơ quan tổng hợp rất vất vả khi xử lý những số liệu này. Nhiều khi các bộ, ngành hôm nay cung cấp số liệu này, ngày mai lại có hiệu chỉnh nhất định.

Riêng con số của Tổng cục Thống kê, vì là cơ quan khoa học nên thực hiện đúng theo phương pháp và quy định của thông lệ quốc tế. Hàng năm đều có các tổ chức thống kê quốc tế sang kiểm tra, đánh giá phương pháp tính của Việt Nam.

 “Cơ quan thống kê chỉ lấy số việc làm mới của năm 2012 trừ đi năm 2011 nên ra con số 1,3 triệu việc làm mới. Còn ngành lao động tính cả số việc làm thay thế từ 120.000 người nghỉ hưu/năm và 80.000 người đi xuất khẩu lao động. Do đó, con số có được lên tới 1,52 triệu việc làm mới” 

Bộ trưởng LĐ,TB&XH
Phạm Thị Hải Chuyền

“Hiện còn một số con số chênh lệch giữa trung ương và địa phương; giữa các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê, thì chúng tôi đang rất tích cực thu hẹp chênh lệch. Từng bước có hệ thống tính toán khớp nhau. Ví như vênh số liệu giữa Bộ LĐ,TB&XH và Tổng cục Thống kê là do phương thức tính toán khác nhau. Đối với cách tính GDP của các địa phương cũng sẽ từng bước thay đổi để làm cho đúng”- Ông Vinh cho biết thêm.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, DN còn chậm. Do vậy, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phân công triển khai từng nhiệm vụ, đề án cho các bộ, ngành, địa phương. Đến 20/5, đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Đề án đầu tư công được xác định làm sao ngăn chặn những dự án dàn trải, kém hiệu quả, xác định trách nhiệm của người quyết định đầu tư mà không bố trí được nguồn lực khiến nợ đọng và hiệu quả thấp. “Xin chia vui với QH là đến kế hoạch năm 2013, có 96,5% số vốn do trung ương kiểm soát đã bố trí tập trung, không dàn trải và theo thứ tự ưu tiên” - Ông Vinh nói.

“Thu ngân sách dự báo khó đạt kế hoạch”

Giải đáp ý kiến các đại biểu về cân đối ngân sách Nhà nước năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, qua 5 tháng thực hiện, thu ngân sách mới đạt 36,6%. Thống kê cho thấy 46/63 địa phương thu ngân sách chưa đạt được mức bình quân chung của các năm.

Trong đó có rất nhiều địa phương là trọng điểm thu ngân sách cả nước. Nếu tính bình quân theo dự toán QH giao, mỗi tháng phải thu được 68.000 tỷ đồng, nhưng qua 5 tháng mới thu đạt trung bình 52.200 tỷ đồng/tháng, như vậy chênh lệch giảm 15.800 tỷ đồng so với dự toán.

“Con số này báo hiệu thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo cả năm thu khó có khả năng đạt kế hoạch”- ông Ninh lo ngại.

Phó Thủ tướng cho biết, phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Với cách tính này, đến 31/12/2012, nợ công của Việt Nam tương đương 55,5% GDP. Về ý kiến cho rằng nợ công còn cao nếu tính cả nợ của DNNN, Phó Thủ tướng trấn an, trong nợ của DNNN có nợ do Chính phủ bảo lãnh, có nợ Chính phủ vay về rồi cho vay lại.

Hai khoản nợ này đã được tính là nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Còn nợ DNNN vay của các tổ chức tín dụng thì DN phải tự vay, tự trả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.