Các nhà đầu tư phía Việt Nam gồm Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – URENCO và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T - T&T GROUP. Các đối tác phía Hàn Quốc gồm Tập đoàn Quản lý Bãi chôn lấp SUDOKWON; Công ty tư vấn kỹ thuật Hàn Quốc – KECC và Công ty TNHH Nhà máy Samyoung.
Dự án “Thu hồi khí GAS bãi chôn lấp phát điện Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội” là một dự án được đánh giá rất cao về ý nghĩa và tính khả thi trong việc tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên năng lượng điện, có tính định hướng dẫn đầu cho việc quản lý các cơ sở xử lý chất thải khác tại Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn T&T cho biết, thông qua buổi lễ ký kết này, các bên sẽ cùng nhau hợp tác để phát triển dự án. Để triển khai dự án, các bên sẽ thành lập Nhà máy sản xuất điện trên cơ sở cùng nhau thiết kế, xây dựng, huy động tài chính và vận hành.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Urenco Lê Anh Tuấn, dự kiến Nhà máy sản xuất điện được thành lập sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi. Nhà máy sản xuất điện sẽ có tổng công suất 5MWe. Tổng chi phí đầu tư là 13.146.000 USD.
Được biết trước đó, khi làm việc tại khu xử lý chôn lấp Sudokwon, Hàn Quốc, Urenco, T&T và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc (gồm Sudokwon, KECC, Samyoung) đã thống nhất hợp tác thực hiện dự án thu hồi khí gas để phát điện tại bãi chôn lấp Nam Sơn, Hà Nội và đã ký Biên bản ghi nhớ trong việc phối hợp thực hiện dự án thu hồi khí gas để phát điện và phát triển bãi chôn lấp Nam Sơn tại Hà Nội thành Công viên Ước mơ như bãi chôn lấp Sudokwon tại Seoul, Hàn Quốc.
Urenco đã có báo cáo và được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép hợp tác với Tập đoàn T&T và đối tác Hàn Quốc để đề xuất và thực hiện dự án.
Theo nhiều nhà chuyên môn, ở các bãi chôn lấp rác phát sinh một lượng khí metan khổng lồ, nếu không được thu gom, xử lý, chúng sẽ bốc lên không trung và trở thành khí gây hiệu ứng nhà kính gấp hàng chục lần khí CO2. Tuy nhiên, nếu chúng được thu gom, tận dụng sẽ trở thành thứ hữu ích cho xã hội.
Việc sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần vào việc sản xuất năng lượng bền vững cho quốc gia. Chính phủ hiện cũng đã có hẳn cơ chế khuyến khích các dự án phát điện từ rác.