> Abbott Việt Nam thu hồi 10 lô sữa Similac nghi nhiễm khuẩn
Kiểm tra đột xuất nhiều cửa hàng
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các công ty báo cáo tình hình nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate do Công ty Fonterra (New Zealand) sản xuất. Nếu các nguyên liệu, sản phẩm thuộc lô sản phẩm Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand cảnh báo, yêu cầu công ty tự thu hồi và báo cáo ngay về Cục An toàn thực phẩm (ATTP).
Cơ quan chức năng kiểm tra việc thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn ảnh: pv. |
Ngay sau khi phát đi yêu cầu trên, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo của Công ty TNHH Danone Việt Nam về việc lô hàng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostrium Botulinum (C.botulinum) từ Công ty Fonterra (New Zealand).
Công ty này phát hiện một lô hàng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostrium Botulinum là thực phẩm công thức dinh dưỡng Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 đến12 tháng tuổi loại 800g; số lô 300513R1 sản xuất ngày 30/5/2013 bởi Công ty Danone Dumex (Malaysia).
Số lượng sản phẩm nhập khẩu là 615 thùng (12 hộp/thùng), trong số đó có khoảng 190 hộp đã được bán ra thị trường. Cục ATTP đã yêu cầu Công ty TNHH Danone Việt Nam dừng lưu thông và khẩn trương thu hồi sản phẩm trên. Báo cáo kết quả thu hồi về Cục trước 16h hằng ngày.
"Người tiêu dùng nếu đã mua Similac GainPlus Eye-Q và Dumex Gold và sử dụng, đối chiếu thấy dưới đáy hộp sữa có ghi số lô giống như cơ quan chức năng cung cấp thì cần theo dõi sức khỏe của trẻ . Nếu trẻ bị tiêu chảy, nôn, phải đưa đến cơ sở y tế để xử trí việc nhiễm khuẩn". Cục trưởng Cục ATTP |
Chiều 5/8, đại diện Công ty Abbott tại Việt Nam cho biết, Công ty Abbott đã kiểm tra và nhận lại hàng từ 2.060 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại các địa phương và 5 chuỗi siêu thị. Số thùng còn lại trong kho đã được ngưng xuất và chuyển vào khu vực bảo quản riêng. Tổng số thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q Công ty Abbott tại Việt Nam đã bán ra thị trường là 12.927 thùng, Công ty này đã thu hồi lại 11.600 thùng. Số thùng còn lại là 1.327 thùng sẽ tiếp tục được thu hồi.
Với những sản phẩm thu hồi trên, Cục An toàn Thực phẩm đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành lấy mẫu kiểm tra và sẽ có kết quả trong vài ngày tới.
Theo ông Trung, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra việc sữa nhiễm khuẩn C.botulinum. Cục đang liên hệ với cơ quan chức năng của New Zealand để kiểm tra xem các sản phẩm khác do Công ty Fonterra sản xuất có bị nhiễm khuẩn không, vì công ty này chế biến nhiều loại sản phẩm khác nhau và xuất đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã kiểm tra ba cửa hàng chuyên bán sữa và các sản phẩm dinh dưỡng tại Hà Nội gồm: Cửa hàng Toàn Thịnh (126 Hàng Buồm), cửa hàng Đức Dũng (120 Hàng Buồm) và cửa hàng tự chọn Nghi Nga (184 Tây Sơn).
Tại cửa hàng Toàn Thịnh, bà Vũ Thị Chi, chủ cửa hàng cho biết, đã nhập một số sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q nằm trong diện thu hồi. Cơ quan chức năng đã thu hồi tại cửa hàng này 48 hộp sữa nghi nhiễm khuẩn.
Trả lại sữa vì lo ngại nhiễm độc
Thị trường sữa ở TPHCM ế ẩm sau khi sữa nhiễm khuẩn gây ngộ độc. ảnh: l.N. |
Tại TPHCM, theo anh Phạm Viết Tường, chủ cửa hàng sữa Viết Tường trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM trong ngày 4/8 và đến cuối giờ chiều ngày 5/8, cửa hàng anh không bán được hộp sữa Similac GainPlus Eye-Q nào.
“Thậm chí, khách hàng còn tìm tới của hàng trả lại sữa, mặc dù chúng tôi giải thích lô sữa này không thuộc diện bị thu hồi”- anh Tường cho biết. Theo anh Tường, trước đó, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đại diện của Công ty Abbott chuyên cung cấp các sản phẩm sữa Abbott trên thị trường Việt Nam, đã gửi thông báo và giải thích tới khách hàng là chỉ có mẫu sữa Similac GainPlus Eye-Q số 3 bị nhiễm khuẩn và thông báo thu hồi loại sữa này. Thế nhưng người tiêu dùng vẫn đem các loại sữa số 1 và số 2 đến trả và không chịu mua các loại sữa Abbott khác.
Tại cửa hàng sữa Kim Anh trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, chị Trần Phương Nhi, một khách hàng mua loại sữa Similac GainPlus Eye-Q số 2 tới trả lại sữa cho biết: “Tôi không an tâm và đành trả lại sữa đang cho con 7 tháng uống”.
Ông Nguyễn Mười, chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười trên đường Nguyễn Thông, quận 3 cho biết, sức mua giảm rõ rệt sau thông tin sữa bị thu hồi. Theo ông Mười, trước đây mỗi ngày cửa hàng của ông bán hàng trăm lon các loại sữa của hãng này nhưng nay không chỉ sữa Similac GainPlus Eye-Q bị thu hồi mà các nhãn hiệu khác của Abbott cũng bị ảnh hưởng theo.
Tại Hà Nội, chị Nguyễn Lệ Thủy (Từ Liêm, Hà Nội), có con trai gần ba tuổi đang uống sữa Similac GainPlus Eye-Q kể, đọc được thông tin trên báo, chị gọi điện ngay đến đường dây nóng của Công ty Abbott Việt Nam. Người của công ty đã đến tận nhà chị thu hồi sản phẩm song chị vẫn không yên tâm vì con trai đã uống nửa hộp.
Nhiều phụ huynh khác cũng đem sữa Similac GainPlus Eye-Q đến trả cửa hàng dù sản phẩm không thuộc lô thu hồi. Chủ cửa hàng sữa trên phố Trương Định (Hoàng Mai) cho biết, sản phẩm của cửa hàng không thuộc lô thu hồi nhưng nhiều phụ huynh nghe tin vẫn mang sản phẩm đến trả. Nhiều phụ huynh không cho con dùng tiếp sản phẩm mà chờ kết luận của cơ quan chức năng. “Sản phẩm này bán khá chạy nhưng từ hôm qua thì không ai mua nữa”, chủ cửa hàng cho hay.
Công ty Abbott Nutrition Việt Nam đang tiếp tục thu hồi sản phẩm trên thị trường. Chủ cửa hàng Nghi Nga (184 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi vừa nhập một lô hàng về, chưa kịp bán ra thị trường thì phía Công ty Abbott đến thu hồi. Ông chủ cửa hàng này cho biết thêm, loại sữa Similac GainPlus Eye-Q không thuộc lô bị thu hồi vẫn được bày bán nhưng tiêu thụ chậm.
Cần theo dõi sức khỏe trẻ đã uống sữa nhiễm khuẩn
Tổng số thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q Công ty Abbott tại Việt Nam đã bán ra thị trường là 12.927 thùng, Công ty này đã thu hồi lại 11.600 thùng. Số thùng còn lại là 1.327 thùng sẽ tiếp tục được thu hồi. |
Ông Trần Quang Trung cho biết, có nhiều thể bệnh, nhưng thể ngộ độc thực phẩm do độc tố C.botulinum thường gặp nhất. Trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch thấp hơn và mẫn cảm hơn với độc tố của C.botulinum. Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, do sử dụng đồ ăn, thức uống nhiễm C.botulinum đã sinh ra độc tố.
Vi khuẩn C. botulinum có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói, hải sản nhiều tuần. Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Vi khuẩn bị diệt ở 600C trong 30 phút; để khử độc tố cần đun sôi 1000C ít nhất 15 phút...
Bệnh lý của C.botulinum gây ra cho người như viêm dạ dày - ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ tới 24 giờ (thức ăn có sẵn độc tố); 3 - 5 ngày (thức ăn có nha bào C.botulinum).
Người bị nhiễm khuẩn đột ngột sẽ có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Trường hợp toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng; không sốt, không có hội chứng màng não; tỉnh táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, C. Botulinum tiết ra độc tố mạnh từng gây ra cái chết của nhiều người châu Âu đầu thế kỷ 20, vì thói quen ăn thịt sống.
PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung Tâm Kỹ thuật An toàn thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: "Clostridium Botulinum là trực khuẩn yếm khí, tạo nha bào. Khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn này sẽ có triệu chứng mệt mỏi, khô miệng, nếu nhiễm nặng thì sẽ có triệu chứng thần kinh như: Nhìn mờ, liệt cơ gây khó nuốt, khó thở, táo bón, chướng bụng”.
Cục trưởng Cục ATTP Trần Quang Trung khuyến cáo, người tiêu dùng nếu đã mua sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q và Dumex Gold và sử dụng, đối chiếu thấy dưới đáy hộp sữa số lô giống như cơ quan chức năng cung cấp thì cần quan tâm theo dõi sức khỏe của trẻ xem có bị tiêu chảy, nôn hay không. Nếu có phải đưa đến cơ sở y tế kịp thời để xử trí việc nhiễm khuẩn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk cho biết, trong ngày 5/8, Cty cũng nhận được công văn của Cục ATTP yêu cầu báo cáo có sử dụng hay không nguyên liệu sữa bột whey protein cô đặc từ Công ty Fonterra New Zealand. Vinamilk khẳng định, trong thời gian vừa qua Vinamilk không nhập bất kỳ sản phẩm sữa bột thành phẩm nào từ tập đoàn Fonterra. Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Đối ngoại Nestle Việt Nam cũng cho biết, Cty không hề mua bất cứ lô nguyên liệu bị nhiễm khuẩn nào như thông báo từ Fonterra. Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc Đối ngoại Cty Abbott cũng cho biết, sau khi đối chiếu kỹ lưỡng danh sách các lô sữa bột đã xuất ra thị trường có thể bị ảnh hưởng với Fonterra và thực tế nhập khẩu, Cty nhận thấy có một thông tin sai về số lô có thể bị nhiễm khuẩn. Theo đó, có tổng cộng 11 lô bị nhiễm thay vì 10 lô như công bố trước đó. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã nhập khẩu 495,6 triệu USD sữa và sản phẩm sữa. Trong đó, nhập khẩu từ New Zealand là 142,4 triệu USD. |