Trên các sườn núi Hòn Bồ, chỉ còn sót lại những đám cây rừng um tùm ở trên cao, phía dưới là những vạt cây keo cao trên dưới 1m. Có một sườn núi rộng khoảng gần chục ha, cây cối đã bị chặt hạ và đốt cháy hết, giữa đám tro tàn sót lại những gốc cây to cỡ một người ôm. Trong một khe núi, hàng chục hộp gỗ xẻ khuất sau những cành cây khô. Văng vẳng trong rừng sâu có tiếng cưa máy… Trong lúc chúng tôi chụp ảnh, hai người mang cưa, mang dao chạy xe máy qua, ánh mắt dò xét. Vài phút sau, tiếng cưa máy ngưng.
Ông Cao Giang, người dân tộc Raglay, trong một lán nhỏ ở khu rừng cháy, cho biết, gia đình ông làm thuê cho ông T. ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đã 2 năm nay. Họ cùng một số người nữa đi chặt phát cây nhỏ, sau đó có người tới cưa cây lớn, mang gỗ củi đi, cành lá còn lại được đốt hết. Chờ khi có mưa, có người mang cây keo giống lên để gia đình ông Giang trồng. “Ông T. chỉ có khoảng chục héc-ta thôi, đất của ông N. nhiều gấp mấy chục lần, con đường này cũng do ổng mở để ô tô vào”, ông Cao Ninh, em trai ông Cao Giang, nói.
Hàng chục hộp gỗ xẻ trong khe núi. Ảnh: Nguyễn Đình Quân.
Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây và ông Phan Đắc Trọng, cán bộ địa chính xã Ninh Tây, những người nói trên không phải dân phá rừng, họ chuẩn bị trồng lứa cây keo mới trên đất quy hoạch trồng keo. Khi phóng viên đề nghị cho xem bản đồ quy hoạch các loại đất của xã Ninh Tây, ông Trọng nói đã cho một cán bộ thị xã mượn.
Từ thông tin của Tiền Phong, ông Lê Văn Đỏ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa xác nhận, cả hai vị trí ở khoảnh 2, tiểu khu 81, trong đó một vị trí thuộc lô đất trống, một vị trí thuộc lô đất rừng sản xuất. Theo ông Đỏ, dù là đất rừng sản xuất hay đất trống, người dân chỉ được khai thác rừng, trồng rừng sau khi có dự án, có đơn xin phép, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. “Chúng tôi chưa nhận được đơn, chưa cho phép cá nhân hay đơn vị nào khai thác rừng, trồng cây ở đó”, ông Đỏ nói.
Chiều 18/3, phóng viên liên lạc được với ông T. Theo ông T., ông đầu tư trồng keo trên đất mua lại của 4 hộ người dân tộc Raglay buôn Suối Mít (Ninh Tây) sau khi họ về nơi tái định cư và bỏ hoang rẫy và đều không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hay lâm bạ. Trong khi đó, ông Nguyễn Khương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết, người mua lại đất rừng của người dân tộc Raglay có giấy tờ hay không có giấy tờ, đều không hợp pháp bởi UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quy định, cấm người Kinh mua lại đất của đồng bào dân tộc ít người để bảo đảm cho họ có đất sản xuất.
Ông Nguyễn Khương cũng khẳng định, việc chặt cây trên đất rừng sản xuất và đất trống ở Hòn Bồ là có sai phạm. “Doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chặt hạ cây trên đất có lâm bạ, thuộc quyền sử dụng của họ còn phải xin phép, huống hồ đây là đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ”, ông Nguyễn Khương nói. Ông cho biết, do ngày 18/3 xã Ninh Tây bận tổ chức hội nghị về quản lý, bảo vệ rừng, nên hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa và UBND xã Ninh Tây chưa tổ chức được việc kiểm tra, xác định có bao nhiêu héc-ta đất, rừng bị khai thác và sử dụng trái phép tại Hòn Bồ.