Thủ đoạn tinh vi cưa hạ, ‘phi tang’ 31 cây rừng phòng hộ ở Đà Lạt

Kiểm lâm tìm dấu vết cây rừng bị cưa hạ, phi tang
Kiểm lâm tìm dấu vết cây rừng bị cưa hạ, phi tang
TPO - 31 cây thông đường kính lớn ở tiểu khu (TK) 147A thuộc rừng phòng hộ (Phường 7, TP.Đà Lạt) bị cưa trộm, vận chuyển ra khỏi hiện trường nhưng chủ rừng (Công ty CP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất) không hề hay biết.

Chiều 7/12, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt cho biết, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Đà Lạt vừa tiếp nhận hồ sơ vụ án hình sự về phá rừng phòng hộ tại lô q - o, khoảnh 6, tiểu khu 147A từ Hạt Kiểm lâm Đà Lạt chuyển sang. Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, phức tạp nên Công an TP.Đà Lạt sẽ mở rộng điều tra, thu thập thêm chứng cứ để xử lý theo thẩm quyền.

Cùng ngày, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, hạ tuần tháng 11 vừa qua, nhận được nguồn tin tố giác vụ phá rừng, Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra phát hiện 31 cây thông 3 lá bị cưa hạ trái phép tại TK 147A. Khu rừng này đã được chính quyền giao cho Công ty CP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất thuê để triển khai dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.  

Qua khám nghiệm hiện trường, các cơ quan chức năng xác định số thông bị triệt hạ có đường kính gốc từ 35 - 65 cm, thiệt hại gần 23 m3 gỗ tròn. 31 cây thông này nằm rải rác trên diện tích khoảng 3.000 m2.

Thủ đoạn tinh vi cưa hạ, ‘phi tang’ 31 cây rừng phòng hộ ở Đà Lạt ảnh 1 Cây bị cưa trộm có đường kính gốc lớn.

Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.Đà Lạt đã xác định tổng thiệt hại của vụ phá rừng xấp xỉ 345 triệu đồng, trong đó giá trị gỗ hơn 68,9 triệu đồng và thiệt hại về môi trường rừng gần 276 triệu đồng.

Cán bộ cơ quan kiểm lâm cho biết thủ đoạn của lâm tặc rất tinh vi: Chọn những cây thông lớn nằm rải rác trong khu rừng để cưa hạ trong nhiều lần chứ không cưa đồng loạt. Thân gỗ được đưa ra khỏi hiện trường; phần cành và ngọn bị đốt tiêu hủy; phần gốc bị cưa sát mặt đất rồi phủ đất và cỏ lên.

Thủ đoạn tinh vi cưa hạ, ‘phi tang’ 31 cây rừng phòng hộ ở Đà Lạt ảnh 2 Cây bị cưa sát mặt đất.

Lâm tặc còn san gạt đất để xóa dấu vết kéo trượt gỗ trên mặt đất và vết bánh xe ô tô; sau đó phủ cỏ lên nhằm che dấu hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Do đó, nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ không phát hiện thông bị đốn hạ.

Thủ đoạn tinh vi cưa hạ, ‘phi tang’ 31 cây rừng phòng hộ ở Đà Lạt ảnh 3 Cánh rừng phòng hộ bị xâm hại.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng cho rằng, đây là thủ đoạn mới của lâm tặc để lấy trộm gỗ, từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Với việc bị cưa trộm tới 31 cây thông mà không bị phát hiện, Công ty CP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ diện tích rừng được giao.

Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã khởi tố vụ án hình sự vụ “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại TK 147A, nhưng do vụ việc nghiêm trọng, phức tạp nên Hạt chuyển hồ sơ để Công an Đà Lạt tiếp tục điều tra xử lý.   

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.