Huyền thoại về cây vợt
Danh thủ Lê Văn Tiết, người từng đoạt giải vô địch bóng bàn châu Á tổ chức lần thứ 3 tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1958, vô địch cá nhân giải bóng bàn Pháp mở rộng (Open de France de Tennis de Table 1959), hạng 3 đồng đội nam thế giới… là một người đam mê vợt cổ. Ông không chỉ lưu giữ những cây vợt từng giúp ông trở thành huyền thoại bóng bàn Việt Nam mà thường ngày, ông vẫn sử dụng các cây cổ vợt để chơi bóng, giao lưu với thế hệ trẻ.
Kể chuyện về những cây vợt, danh thủ Lê Văn Tiết nói: “Những năm 1950, Việt Nam chúng ta cũng đã sản xuất vợt bóng bàn nhưng chất lượng không ổn định lắm. Trong một lần tôi sang Nhật Bản thi đấu, tôi mới chứng kiến các cao thủ thế giới sử dụng những cây vợt rất chất lượng.
Tôi đã bỏ tiền ra mua 5 cây vợt của Nhật Bản tốt nhất lúc đó. Tôi giữ lại một cây và tặng những cây còn lại cho anh em. Chính cây vợt ấy đã giúp tôi chiến thắng các vận động viên đang là số một thế giới lúc đó, chinh phục các đỉnh cao trong sự nghiệp của mình”.
Bác Tiết nói rằng những vận động viên chuyên nghiệp thường sử dụng những cây vợt mà họ yêu thích, cảm thấy phù hợp, chứ không chạy theo thời trang. Cây vợt như người bạn tri kỷ.
“Cây vợt hết sức quan trọng trong sự nghiệp một vận động viên - Danh thủ Lê Văn Tiết nói với phóng viên - Trong một lần thi đấu, cây vợt quý của tôi bị gãy, từ đó sự nghiệp của tôi đi xuống và kết thúc. Những cây vợt sau này không bao giờ đem lại sự ổn định như cây vợt đã giúp tôi giành huy chương đồng giải vô địch thế giới”.
Câu chuyện của danh thủ Lê Văn Tiết cho thấy những cây vợt tốt đóng góp một phần quan trọng trong các chiến thắng lịch sử.
Cũ người mới ta
Thầy Tân, một cựu tuyển thủ bóng bàn trước năm 1975 thường dạy bóng bàn cho lớp trẻ ở quận 7, TPHCM. Ông chưa bao giờ sử dụng cây vợt hiện đại nào. Cây vợt “ít tuổi nhất” mà ông vẫn sử dụng cũng có tuổi đời hơn 30 năm. Gặp tôi, ông thường mở cái ba lô cũ kỹ khoe những cây vợt mới sưu tầm được. Chúng đều được sản xuất từ những năm 1980. Ông nói: “Thật thú vị khi tìm được những cây vợt thế hệ chúng tôi mơ ước”. Ông nói thêm: “Chất lượng của chúng tốt không thua kém các cây vợt hiện nay”.
Theo chân một người sưu tầm vợt cổ, tôi đến một cửa hàng nhỏ nằm sâu trong hẻm ở quận 4. Những cây vợt cổ tới mức mòn vẹt, không rõ sản xuất năm nào. Có những cây giá chỉ mấy trăm ngàn, vì chúng là những cây vợt dọc chỉ sử dụng một mặt mút giờ rất ít người biết chơi.
Bác Lộc là người mê vợt cổ. Bác đã 70 tuổi, nên thường đi xe buýt, hôm ở quận này, hôm ở quận khác. Tất cả là đi tìm những câu lạc bộ bóng bàn để cho cây vợt cổ của bác được giao lưu với các thế hệ vợt khác. Bác đem theo một túi đựng đầy vợt dọc cổ. Ngày chơi bóng, tối trú lại nhà bạn bè. Một hôm, bác điện cho tôi và buồn rầu bảo: “Cây vợt của bác bị gãy mất rồi. Bác chẳng biết có khi nào lại tìm được một cây vợt cổ như thế nữa?”.
Thật ra, những bậc tiền bối như bác Lộc, thường được anh em tặng vợt để chơi, song bác không bao giờ nhận, đơn giản bác không sử dụng các cây vợt hiện đại. Sau khi cây vợt cổ bị hỏng, tôi không thấy bác Lộc xuất hiện ở các câu lạc bộ bóng bàn nữa! Có lẽ, bác vẫn chờ đợi cơ duyên tìm một cây vợt cổ khác.
Đắt đỏ
Cựu tuyển thủ bóng bàn Hồ Ngọc Thuận mở trung tâm đào tạo trẻ, song anh cũng sở hữu rất nhiều cây vợt cổ và có mua bán trao đổi chúng. Giá những cây vợt cổ anh đăng bán xấp xỉ vài chục triệu đồng.
Một nhà sưu tầm kể: “Có nhà sưu tập đã nhượng lại bộ vợt hàng trăm cây cho một người chơi vợt trẻ tuổi. Mỗi cây như vậy ít nhất cũng có giá chục triệu đồng. Nhờ đó, người sưu tập trẻ kia tự dưng trở nên rất tiếng tăm trong làng sưu tập vợt của thành phố”.
Bác Hùng, một người sửa vợt, cũng chính là một nhà sưu tầm. Khi tới nhà bác, tôi thấy ở phòng khách có một tủ trưng bày mấy chục cây vợt cổ. Nhìn đã thấy mê. Hóa ra, theo chân nhà sưu tập, vào phòng ngủ của bác mới biết còn có 2 tủ đựng vợt cổ nữa. Chúng đều là các thương hiệu lớn trên thế giới, ngừng sản xuất mấy chục năm nay. Bác mở tủ ra và lấy cho tôi xem những cây vợt huyền thoại đó, chúng đều chưa sử dụng, vẫn chưa dán mặt, còn nguyên cốt vợt trong những cái hộp đã bạc màu. Những cây vợt như vậy, có người trả giá 25-30 triệu đồng nhưng bác đều từ chối. Bác Hùng nói: “Tôi tìm mua chúng không phải để bán, mà để chiêm ngưỡng và nghiên cứu về lịch sử phát triển bóng bàn”.
Mỗi lần đi chơi bóng giải trí, bác Hùng đem theo tới 5 cây vợt cổ. Đó là một gia tài và bác cũng chỉ đánh mỗi cây như vậy vài séc rồi đem về cất kỹ! Bạn bè mà bác giao lưu cũng toàn danh thủ trước và sau năm 1975, những người sở hữu những cây vợt chừng 40-50 năm tuổi!
Không phải để bán
Anh Huy, một người sửa vợt nói với tôi: “Có những thứ trên đời này không phải để bán, trong đó có vợt bóng bàn”.
Anh Huy kể: “Cách đây một tháng, trên diễn đàn có nhà sưu tập tại TPHCM đưa cây vợt của mình lên để mọi người thưởng thức. Ngay lập tức, cây vợt ấy được trả giá 75 triệu đồng và nếu bán thì người ta sẽ đến nhà mua ngay. Song, câu trả lời: Xin lỗi, tôi không bán. Ngay sau đó, nhân vật bí ẩn ấy cũng xóa nick của mình và giấu kín địa chỉ nhà, song nhiều người vẫn đang cố gắng tìm kiếm địa chỉ của anh ta với hy vọng mua được cây vợt quý ấy”.
Theo bình luận viên Tuấn Nam Định của SportTV, cũng là một cao thủ bóng bàn thì các vận động viên Việt Nam phần nhiều sử dụng vợt của Nhật Bản và theo thiên hướng tấn công. Song, điều đó không ngăn cản họ sưu tầm và sở hữu nhiều dòng vợt khác nhau với nhiều xuất xứ khác nhau.
HLV Mai Thi của đội tuyển nữ TPHCM đôi khi cũng rao bán những cây vợt cổ quý hiếm mà cô nhờ bạn bè sưu tầm từ nước ngoài. Cô cũng có hàng chục cây vợt thuộc hàng huyền thoại của nhiều hãng.
Bình luận viên Tuấn Nam Định nói với phóng viên: “Em biết có những truyền thuyết huyền thoại thêu dệt về sức mạnh của các cây vợt. Song, theo em nghĩ người chơi bóng bàn mới là người quyết định đến thành tích. Những vận động viên nổi tiếng thế giới, dù họ có chuyển sang sử dụng cây vợt khác, họ vẫn giành được thành tích vượt trội. Chính con người, chứ không phải các cây vợt và mặt vợt, đã làm nên các chiến thắng lịch sử môn bóng bàn”.