Người phục chế vợt bóng bàn cổ

Bác Hùng và cốt vợt do bác sản xuất có đề chữ “Nhẫn”. Ảnh: TRẦN NGUYÊN ANH
Bác Hùng và cốt vợt do bác sản xuất có đề chữ “Nhẫn”. Ảnh: TRẦN NGUYÊN ANH
TP - Phải xem bác Nguyễn Quốc Hùng tỷ mỉ phục chế một cây vợt cổ, chọn lựa nguyên liệu phù hợp giữa hàng trăm loại gỗ; nghe âm thanh khi chạm bóng của cây vợt; ngắm chiếc tủ chứa hàng trăm cây vợt bóng bàn cổ từ nhiều nước trên thế giới, mới biết thế nào là một người yêu nghề. Một nghề rất đặc biệt.

Trong khi những người khác tung tẩy với trái bóng bàn ở những câu lạc bộ ồn ào náo nhiệt thì bác Nguyễn Quốc Hùng ngày ngày cặm cụi sửa từng cây vợt cho các vận động viên trong một hành lang nhỏ. Ông nói: “Tôi khéo tay biết sửa vợt, bạn bè cứ nhờ mình làm, lâu dần thành một cái nghề không dứt ra được”. Cuộc sống thầm lặng của bác gắn với những cây vợt cũ kỹ và sứt mẻ.

Con của liệt sĩ Việt Kiều

Tôi biết bác Hùng qua chị Hạnh, một người chuyên bán vợt cổ mà nay đã ngừng sản xuất. Chị Hạnh nói: “Tại TPHCM này, có một bác già chuyên sửa vợt cũ. Bác không mở tiệm, chỉ sửa trong nhà, nhưng nếu không có bác thì chẳng có thú chơi vợt cũ. Bác ấy có thể phục chế, bảo tồn được những cây vợt sản xuất mấy chục năm trước về nguyên bản ban đầu!”.

Nghề chơi vợt cổ rất công phu.  Để sở hữu một cây vợt cổ và sử dụng được nó trong thi đấu, người ta cần phải bảo dưỡng, sửa chữa và gia cố các cây vợt “cụ, kỵ”. Bác Hùng chính là một con người lặng thầm đứng sau thú chơi kỳ công ấy.

Bác Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1948 tại Thái Lan. Gia đình bác là Việt Kiều sinh sống tại Thái Lan từ đầu thế kỷ. Bác kể: “Khi phong trào chống Pháp ở trong nước nổ ra, ông tôi bảo với bố tôi là con phải quay về nước đánh Pháp cùng anh em đồng bào. Bố tôi từ Thái Lan quay về Việt Nam gia nhập bộ đội rồi hy sinh, hiện giờ chưa tìm được mộ. Bố đi chiến đấu khi tôi còn nằm trong bụng mẹ nên tôi không biết mặt bố tôi”.

Mấy mẹ con trở về Việt Nam, bác Hùng lớn lên ở miền Trung, dạy học và làm việc ở Thanh Hóa, Nghệ An rồi sau này chuyển vào TPHCM. Bác rất thích chơi bóng bàn. Chiến tranh gian khổ, nhưng hết bom đạn, người ta lại tìm chỗ đánh bóng bàn. Bác nói: “Tôi xuất thân là dân kỹ thuật, nên khi chơi bóng bàn, vợt hư thì tôi tự mua đồ về sửa. Mọi người thấy tôi khéo tay nên tiếng lành đồn xa, nhiều người đem vợt tới nhờ giúp. Tôi không nhớ mình bắt đầu nghề này từ bao giờ, nếu tính giai đoạn tôi tập trung vào nhận vợt để sửa như một công việc chính thì cũng đã 30 năm”.

Tủ vợt quý

Bác Hùng dẫn tôi vào phòng ngủ của bác, ngay bên cái giường là một tủ vợt, giống như tủ đồ quý giá nhất của bác mà mỗi lần mở mắt ra phải nhìn thấy ngay. Có lẽ không tên trộm nào có thể lọt vào đến tận giường ngủ! Trong cái tủ ấy có hàng trăm cây vợt khác nhau, của hầu hết các hãng vợt nổi tiếng trên thế giới, qua các thời kỳ.

Bác đưa ra cho tôi xem những cây vợt không còn sản xuất nữa, những cây vợt mang tên các danh thủ thế giới: “Nhiều người chơi bóng bàn đọc sách, nghe tiếng đến các cây vợt này, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy. Tại đây có đủ cả”. Bác phân bua: “Thực ra tôi ban đầu tôi không phải người sưu tầm và càng không phải người buôn bán vợt. Tôi chỉ là dân kỹ thuật, mua về để nghiên cứu xem cây vợt đó khác những cây vợt khác ra sao và vì sao thế giới người ta lại cần có những cuộc cách mạng về vợt bóng bàn”.

Bạn thân của bác Hùng chính là danh thủ Lê Văn Tiết, người đoạt huy chương đồng giải vô địch thế giới năm 1959. Bác Tiết nhận xét: “Tôi đánh bóng giỏi hơn ông Hùng, nhưng hiểu biết của ông Hùng về vợt thì hơn đứt tôi”.

Không chỉ danh thủ Lê Văn Tiết mà nhiều danh thủ bóng bàn, các tuyển thủ và cả Việt Kiều chơi thể thao từ Mỹ, Úc… cũng thường gửi vợt cho bác Hùng sửa chữa, đại tu, nâng cấp. Nhờ có kiến thức uyên thâm, lại có những cây vợt cổ làm mẫu, nên bác Hùng có thể phục chế các cây vợt giống như nguyên trạng ban đầu. Vợt cũ sau khi được trùng tu, lại lên máy bay đi về các xứ sở khắp thế giới.

Bác Hùng nói: “Người ta yêu bóng bàn bao nhiêu thì yêu cây vợt bấy nhiêu. Có người chỉ quen một vài cây vợt, khi chuyển sang đánh cây khác, thành tích giảm xuống rõ. Họ muốn sửa chữa những cây vợt quý của họ. Nhưng tôi sửa rồi, đi thi đấu có khi va phải bàn, lao vào cột, có khi bực quá cũng đem vợt quăng quật… thế là lại hư, lại tới năn nỉ sửa giùm”.

Người phục chế vợt bóng bàn cổ ảnh 1 Bác Hùng ngày ngày tỉ mẩn phục chế những cây vợt cũ
Trong 30 năm qua, mỗi ngày bác Hùng sửa một vài cây vợt bóng bàn và hầu như không nghỉ ngày nào. Thời gian nghỉ của bác là buổi tối. Lúc này bác Hùng đem theo một cái túi đựng 5 cây vợt để đến câu lạc bộ chơi bóng; Nhưng không chơi mà mang theo vợt để… kiểm tra công năng, điểm mạnh điểm yếu của từng loại vợt mới thu thập được. 

Vợt nào gỗ ấy

Bác Hùng cho tôi tham quan kho gỗ làm vợt bóng bàn của bác, trong đó có hàng trăm chủng loại gỗ khác nhau, tất cả đều nhập khẩu. Có miếng gỗ cắt mỏng như tờ giấy. Đặc biệt trong đó có nhiều loại gỗ mà các hãng không còn sản xuất nữa, màu sắc vàng úa như trang giấy bỏ quên trong nhà in dăm thập kỷ. Những chất liệu gỗ được dùng làm vợt cách đây mấy chục năm như vậy quả rất hiếm. Anh Huy, con trai bác Hùng bảo: “Bố tôi công phu và tỉ mỷ đến mức khó theo. Sửa một cây vợt của hãng nào, đời nào, bố tôi phải tìm ra cho được đúng loại gỗ đã làm ra cây vợt ấy để sửa. Khi xong, người ta không còn nhận biết được đâu là chỗ đã sửa chữa, vì gỗ cùng một chủng loại!”.

Thông thường, người sửa vợt sẽ dùng gỗ dán ngoài thị trường, dùng những cốt vợt khác để lấy gỗ đưa vào sửa cây vợt hư hỏng. Bác Hùng thì khác. Bác nói: “Tôi gửi thư ra nước ngoài, liên hệ để mua những lớp gỗ của họ sản xuất, đi sưu tầm những loại gỗ mà từng hãng sản xuất. Vợt nào, dùng đúng gỗ ấy, hoàn nguyên cây vợt gãy nứt rách vỡ trở lại như hình dạng ban đầu, đúng công năng, đúng tính chất mà nhà sản xuất đã từng mong muốn”.

Giấc mơ Việt

TPHCM là một cái nôi bóng bàn, từng có nhiều thành tích trong khu vực và thế giới. Chị Hạnh nói với tôi: “Chơi bóng bàn, sưu tầm vợt bóng bàn là một nét văn hóa của người dân Sài Gòn. Có ông cụ mới rồi trước khi mất đã gọi một danh thủ bóng bàn đến vừa bán vừa trao lại 60 cây vợt rất quý hiếm. Mỗi cây như vậy có giá trị vài chục triệu đồng”. Anh Huy, con trai bác Hùng cũng kể: “Mới rồi có người rao bán cây vợt cổ, lập tức được trả giá 60 triệu đồng, nhưng chủ nhân của nó vẫn chưa chịu bán”.

Người phục chế vợt bóng bàn cổ ảnh 2
Bác Hùng cho tôi xem một cây vợt do bác sản xuất, vợt một lớp gỗ rất chắc chắn, tỷ mỷ. Bác nói: “Rất nhiều danh thủ đặt tôi làm vợt cho họ theo đúng những gì họ muốn. Tôi giữ lại một cây làm kỷ niệm thôi”.

Hiện nay vợt Trung Quốc và vợt các nước bán rất nhiều trên thị trường. Vợt Trung Quốc đủ loại giá khiến cho nhiều công ty muốn đầu tư làm vợt của Việt Nam gặp khó khăn. “Tôi luôn mơ ước Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất vợt bóng bàn – Bác Hùng tâm sự - Nhưng, vợt bóng bàn có thể thi đấu quốc tế thì phải được quốc tế công nhận về chất lượng, nhất là chất lượng mặt vợt. Việt Nam muốn vươn tầm thế giới trong lĩnh vực sản xuất vợt bóng bàn cần phải có một nền công nghiệp, chứ chỉ riêng các nghệ nhân như chúng tôi không thể làm được”.

Bác Nguyễn Quốc Hùng cầm hai cây vợt, một cây mới được bác tu sửa lại và một cây vợt nguyên bản mà bác sưu tập. Bác tung một quả bóng và dùng hai cây vợt để tâng, nghe tiếng giống hệt nhau, khi đó công việc mới hoàn thành. Bác nói: “Mỗi đời vợt, mỗi hàng vợt cho ra âm thanh khác nhau khi đánh bóng. Phục nguyên được âm thanh của nó thì cũng chính là trả cây vợt về giá trị ban đầu đấy”.

Làm “khỏe” vợt giúp người chơi

Mấy năm nay, bác Hùng dành thời gian dạy cho con trai là anh Hùng nghề sửa vợt. Bác nói: “Tôi không dấu nghề, các bạn muốn học, tìm tới, tôi đều chỉ dạy. Tôi nói với họ rằng, làm nghề sửa vợt bóng bàn không phải vì tiền mà nên vì đam mê, vì muốn giúp người chơi có những cây vợt như ý. Sửa một cây vợt lấy vài trăm ngàn đồng mà mất một vài ngày công, chưa kể chi phí vật liệu, nên chẳng mấy ai theo nghề này”.

Chia tay phóng viên, bác Hùng lại cặm cụi làm việc trong góc nhỏ bụi bặm và rất nóng. Tự tay cưa, cắt, mài... bác nâng niu từng cây vợt và ngắm chúng như ngắm những viên ngọc bích vậy. Những khách hàng của bác, xa vợt quý một vài ngày, chẳng khác gì xa người yêu, xa con cưng… suốt ngày gọi điện: “Bác Hùng ơi, bác cứu được vợt của cháu chưa!”.  Bác lại trả lời: “Hãy cứ yên tâm! Nó đang khỏe dần. Bạn sẽ nhận lại cây vợt trong trạng thái khỏe mạnh nhất!”.

5/2019

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).