Một người bạn yêu nhạc thường đánh bóng bàn cùng ông nói: “Chúng tôi dù trẻ nhưng cũng không thể thắng được bác Tiết”.
Đội mưa đi chơi bóng
Bác Tiết dáng chắc đậm, vẫn thường đi xe máy tới câu lạc bộ bóng bàn. Dù mưa hay nắng, bác không bao giờ từ bỏ đam mê. Câu lạc bộ bóng bàn nơi bác Tiếp vẫn chơi hàng ngày chỉ là một trung tâm thể thao nhỏ với mấy bàn bóng bàn, lại nằm trên gác nên hầu như ít người biết tới.
Đối với những vận động viên, những người yêu môn bóng bàn thì cái tên danh thủ Lê Văn Tiết luôn là một tượng đài, một hình mẫu. Nhưng bác Tiết như người ông, người cha già, sẵn sàng chơi bóng với tất cả mọi người, chỉ bảo mọi điều. Chơi bóng với bác là những người bác sĩ, kỹ sư, nhà sưu tầm đàn, những em nhỏ, cả cô con gái từng là vận động viên nữa… Mọi người trong câu lạc bộ đều nhận xét: “Tính bác rất giản dị hòa đồng. Bác cũng là người siêng năng nhất, không bỏ buổi chơi bóng nào, dù là trời mưa bão!”.
Bác Tiết chơi bóng cùng những người bạn trẻ, rồi nghỉ tay nói với tôi: “Chính bố tôi là huấn luyện viên đầu tiên của tôi. Bố tôi là vận động viên quần vợt. Chính nhờ cú phản công kiểu quần vợt, chưa từng có trong lịch sử bóng bàn, họ gọi tôi là kỳ nhân”. Vung tay rộng, bác minh họa: “Bóng bàn thường đánh lực cổ tay và đánh ngắn. Ông cụ dạy tôi áp dụng kiểu quần vợt, lăng tay rộng, tạo ra cú phản công từ vị trí rất xa bàn. Tôi giành được chức vô địch Á vận hội cũng nhờ sáng tạo mới mẻ ấy”.
Bác nói với các bạn trẻ: “Thể thao không đợi tuổi tác, không có thứ bậc. Càng trẻ tuổi, càng nên phấn đấu, khẳng định mình để có cơ hội học hỏi nhiều hơn”. Bác kể “Tôi sinh ngày 13/7/1939 tại Gia Định. Lúc vào đội tuyển, tôi chỉ là một cậu bé. Huấn luyện viên bảo tôi phải thắng 3 (trong 4 tuyển thủ đàn anh) thì mới vào đội tuyển đi dự giải vô địch thế giới năm 1956. Tôi cầm vợt vào đánh thắng luôn cả 3 anh, thế là tôi vào tuyển quốc gia đi Nhật”.
Nhà vô địch Á Vận Hội, hạng 3 thế giới
Kỷ niệm nhớ nhất của danh thủ Lê Văn Tiết chính là vô địch đồng đội nam ASIAD năm 1958. Chiến thắng vinh quang và có phần bất ngờ. Bởi năm đó Nhật Bản là nước chủ nhà và họ đang là cường quốc bóng bàn thế giới. Trước khi trận đấu diễn ra, báo chí Nhật Bản đều tin chắc Nhật Bản vô địch và ban tổ chức đã mời Đông cung thái tử tới xem trận đấu đồng thời trao huy chương vàng cho đội tuyển Nhật trong trận đấu có 10.000 khán giả.
Đội tuyển bóng bàn Việt Nam gồm Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được đã giành chiến thắng trong trận chung kết ASIAD trước tuyển Nhật Bản với tỷ số 5/3. Riêng Lê Văn Tiết đã thắng Tanaka đương kim vô địch thế giới đơn nam với tỷ số 2/0 (21/12, 21/18), và thắng danh thủ Nhật Bản Tsunoda cũng tỷ số 2/0 (21/6, 21/10). Một chuyện hy hữu là nước chủ nhà không chuẩn bị cờ của đội đối thủ nên phải chạy đi mượn cờ để kéo lên lúc trao giải.
Chàng trai trẻ Lê Văn Tiết tiếp tục tham gia Giải vô địch thế giới năm 1959 tại Tây Đức. Tuyển Việt Nam đã thắng đội tuyển Tiệp Khắc từng vô địch thế giới với tỷ số 5/3, thắng tuyển Pháp 5/0. Đứng đầu bảng 4 sau chín trận đấu và vào tới bán kết, Việt Nam lại gặp đội tuyển Nhật. Với chủ lực là Murakami (đương kim vô địch Nhật Bản), tuyển Nhật đã trả được món nợ thua Việt Nam tại ASIAD và lọt vào chung kết.
Bác Tiết kể: “Chúng tôi sẵn sàng đánh bại Trung Quốc (thua Hungary ở trận bán kết) để giành huy chương đồng. Không hiểu sao, đội Trung Quốc lại xin với Liên đoàn bóng bàn thế giới để hai đội không đánh trận tranh hạng ba nữa mà cả hai đội Việt Nam và Trung Quốc đều nhận huy chương đồng”.
Hạ cây vợt số 1 Nhật Bản, vô địch giải Pháp mở rộng
Tham dự giải vô địch Pháp mở rộng năm 1959, vào trận chung kết, Lê Văn Tiết gặp lại nhà vô địch Nhật Bản Murakami (người góp công lớn giúp tuyển Nhật hạ Việt Nam tại trận bán kết giải vô địch thế giới tại Tây Đức trước đó).
Hai ván đầu Murakami thắng, không ai nghĩ Việt Nam lại lật ngược thế cờ. “Người Nhật họ đánh tôi chạy như con thoi. Murakami nghĩ tôi chạy vậy, có cơ hội dứt điểm. Không ngờ tôi chạy liên tục vừa đỡ bóng vừa phản công rất ngoạn mục. Murakami tấn công, tôi từ xa phản công lại ghi điểm. Ván thứ 3 là ván quyết định vì họ đã thắng 2 ván, nếu mình thua thì thua trận luôn. Trong khi Murakami dẫn 12/4 rồi (thời đó bóng bàn tính 21 điểm/sec, hiện nay quy định 11 điểm/ sec), vậy mà tôi lội ngược dòng, thắng 21/12. Khán đài vỡ òa”.
Ván thứ 4 Lê Văn Tiết lại thắng. Hòa 2-2, ván thứ 5 quyết định chung cuộc. Hồi đó luật mỗi người giao bóng 5 quả (giờ chỉ 2 lượt thì đổi giao bóng). Cứ thay nhau ghi mỗi người 5 điểm. Đến 15/15, hai bên đều căng như dây đàn. Lê Văn Tiết nghĩ, đến lượt Murakami giao bóng, nếu anh ta tiếp tục ăn 5 điểm nữa thì mình thua mất, thế là anh giành bóng tấn công, phản công liên tục, phá bộ của Murakami. Tỷ số là 20/18, Lê Văn Tiết lại tính toán, thấy kéo dài trận đấu sẽ rủi ro, khi đối thủ Nhật ào lên tấn công, Lê Văn Tiết quyết liệt ghi điểm thứ 21.
Bác Tiết nhớ lại: “Tôi dành chiến thắng, sinh viên ta ở Pháp từ khán đài chạy xuống, khênh tôi chạy vòng khắp sân đấu. Cảm giác thật là cảm động, không nói nên lời”.
Mong thế hệ ngày nay tiếp nối vinh quang
Trước năm 1975 bác Tiết là huấn luyện viên đội tuyển miền Nam, sau 1975 bác lại tiếp tục làm công tác huấn luyện cho Đội tuyển bóng bàn Công an Nhân dân.
Bác Tiết nhận xét: “Theo tôi, bóng bàn Việt Nam muốn thành công trên trường quốc tế, trước hết phải chăm lo vấn đề thể lực cho vận động viên. Các vận động viên của Nhật thường chạy bền cự ly marathon, lượng hóa các kỹ thuật, mỗi một động tác thường thực hiện hàng ngàn lần. Đành rằng người Việt Nam thông minh, khéo léo, chính xác, đó là yếu tố rất cần trong bóng bàn, song sức bền thể lực phải được chú trọng hơn nữa”.
Ở tuổi 80, mỗi ngày chơi ít nhất một giờ đồng hồ bóng bàn, bí quyết của danh thủ Lê Văn Tiết: “Hãy chọn cuộc sống đơn giản không bon chen, tránh xa rượu bia chất kích thích. Hãy sống một cuộc đời lành mạnh và siêng năng tập luyện”.
Bác Tiết dạy cho cả gia đình chơi bóng bàn. Con gái thứ ba là kiện tướng Lê Ngọc Phương Lan nguyên thành viên đội Công an Nhân dân. Chị Phương Lan kể: “Bố tôi rất yêu con, nhưng nghiêm khắc trong việc tập luyện. Quan điểm của bố tôi về một vận động viên đẳng cấp đó là phải công thủ toàn diện, phải đánh tốt ở cự ly xa, phải chặn đẩy tốt ở cự ly gần”.
Nhận xét về thế hệ trẻ ngày nay, danh thủ Lê Văn Tiết nói: “Tôi vẫn thường xem các cháu thi đấu ở các giải lớn và xem qua ti vi. Tôi thấy các cháu đều có năng khiếu, được đào tạo bài bản, thể lực được cải thiện. Để chinh phục đỉnh cao châu Á và thế giới, chúng ta cần cập nhật các phương pháp huấn luyện tối tân của thế giới, đặc biệt các vận động viên nên chơi bóng nhanh và hiệu quả, tiết giảm sự hoa mỹ không cần thiết”.
Mỉm cười hiền hậu bác Tiết nói: “Trong môn bóng bàn, Việt Nam muốn giành chiến thắng phải có sự sáng tạo, phải có lối chơi riêng độc đáo và hiệu quả, đó là điều không thể thiếu được để vươn lên đỉnh cao thế giới”.
4/2019
“Hãy chọn cuộc sống đơn giản không bon chen, tránh xa rượu bia chất kích thích. Hãy sống một cuộc đời lành mạnh và siêng năng tập luyện”.
Danh thủ Lê Văn Tiết
Phát minh ra cú đánh phản công từ xa
Danh thủ bóng bàn Lê Văn Tân, cựu tuyển thủ, là em trai của kỳ nhân Lê Văn Tiết nhận xét: “Anh tôi là người đầu tiên phát minh ra cú đánh phản công từ xa. Trước kia các vận động viên lùi xa chỉ cắt bóng phòng ngự, nhưng anh tôi đã nghiên cứu để phản công từ xa và đó là đóng góp của anh tôi đối với môn bóng bàn thế giới đã được quốc tế ghi nhận”.
Thành tích của “kỳ nhân bóng bàn” Lê Văn Tiết thật đáng ghi nhận:
Huy chương đồng thế giới (1959); Vô địch giải quốc tế Pháp (1959); Huy chương vàng đồng đội Á vận hội (1958); 3 huy chương vàng Đông Nam Á - tức SEA GAMES bây giờ (1961,1965,1967); 2 Huy chương đồng Á vận hội... Nhiều lần vô địch miền Nam.
Sau khi Việt Nam vô địch ASIAD 1958, hãng vợt Butterfly đã giới thiệu Lê Văn Tiết trong tập sách “Những tay vợt hay của thế giới” in bằng tiếng Nhật và tiếng Anh và phát hành khắp thế giới, khi đó, Lê Văn Tiết mới 19 tuổi.