Thử bắt lỗi Tenet

Giữa nam và nữ chính là một mối quan hệ sâu đậm nhưng mơ hồ
Giữa nam và nữ chính là một mối quan hệ sâu đậm nhưng mơ hồ
TP - Tenet có lẽ là một trong những tên phim khô khan nhất, và siêu phẩm mới nhất do Christopher Nolan đạo diễn- biên kịch cũng như thế. Rất thông minh, mới lạ nhưng hơi khô khan. Phim đang ra rạp Việt Nam và thế giới.

Tenet kiểu như một mạng lưới khủng bố trong tương lai mà mục tiêu của nó nhắm vào nhân loại quá khứ tức chúng ta bây giờ. Nguyên nhân đơn giản: Chúng ta chính là thủ phạm tàn phá sinh thái khiến tương lai trở thành nơi không thể sống được. Nhưng có vẻ như người cầm chòm Tenet sau đó nghĩ lại - như bộ phim cho thấy.

Người tương lai có đầy đủ công nghệ để tạo ra những vũ khí nghịch đảo hướng về quá khứ. Không hiểu đạo diễn có nghiên cứu Rasun Gamzatov - nhà thơ vùng Dagestan- người có câu nói nổi tiếng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”?! Phim cũng đậm đà yếu tố Nga. Một phần của vũ khí bí mật được giấu trong một thành phố bỏ hoang ở Nga. Sator được tương lai gửi gắm nhiệm vụ hủy diệt thực tại là tỉ phú người Nga. Ông này đáng chú ý có câu thoại: “Có con là điều làm anh hối hận nhất”, khi cô vợ hỏi vì sao khăng khăng muốn nhân loại bao gồm con trai mình chết theo mình (Sator bị ung thư do nhiễm xạ).

Tenet đảm bảo cho người xem những hình ảnh mới lạ, một câu chuyện ly kỳ dựa trên một ý tưởng đột phá chưa từng có. Tất nhiên ai từng thích Inception (2010) hay Intersteller (2014), chắc chắn sẽ phải lao đến rạp để xem phim mới này của Nolan. Nhưng hơi khác với hai siêu phẩm kia, Tenet không có những cảnh siêu thực hay hoành tráng hứa hẹn cho người xem mãn nhãn.

Khán giả sẽ không được đưa đến tương lai. Ngay bộ máy có khả năng đưa người trở đi trở lại quá khứ bao nhiêu lần tùy thích cũng cục mịch chả hơn gì máy trộn bê-tông. Phim không có mấy kỹ xảo phức tạp ngoài việc cho người và xe đi giật lùi. Ngay cảnh cho máy bay đâm vào phòng tranh (chỉ để lấy một bức tranh!) cũng quay thật hoàn toàn. Nghe nói tiền mua xác máy bay còn rẻ hơn làm kỹ xảo… Nhưng điều này kể cũng không có gì quá đáng tiếc vì xét cho cùng hiệu ứng hình ảnh cũng chỉ là thứ màu mỡ riêu cua mà thôi.

Có chút đáng tiếc thì chắc là sự thiếu đầu tư vào tình tiết và khía cạnh tình cảm trong phim. Có cái gì đấy gượng ép và nông cạn khi chỉ vì một bức tranh giả mà đại gia Sator giàu nhất hành tinh quay ra thù ghét cô vợ “siêu mẫu”. Mà bức tranh này đắt đỏ gì cho cam, chỉ bằng một chuyến du lịch Việt Nam, nghĩa là tầm 9 triệu đô! Vâng, đây là giá cả phim đưa ra, chứ thực tế số tiền đó đủ để đến Việt Nam chơi 100 lần chắc vẫn còn dư. Tất nhiên không có cảnh quay thật ở Việt Nam nào trong phim cả. Chứng tỏ đối với đoàn làm phim, Việt Nam vẫn là xứ sở thiên đường xa vời. Trong khi nước Nga như thể là sào huyệt của thế lực kỳ bí, nguy hiểm khôn lường…

Sự “mới lạ” của phim ở cả mối quan hệ giữa nam chính (nhân vật không tên do John David Washington thủ vai) và nữ chính (Kat, vợ của Sator). Hai nhân vật không chung tổ chức nhưng lại chung “lý tưởng”, từ đó mà họ hẳn cũng có chút gắn kết về tình cảm, nhưng phim không khai thác khía cạnh này tí nào. Ngay cả tình cảm mẹ con là động cơ hành động của Kat cũng không được thể hiện bằng hình ảnh. Tác giả chắc muốn lược bỏ tất cả những thứ rườm rà sến súa để tập trung vào chủ đề nghiêm trọng của phim, cũng như hiện thực hóa ý tưởng đột phá mà chỉ ông mới nghĩ ra được. Nhưng cũng vì thế mà đôi khi đang xem Tenet lại tưởng trò chơi điện tử bạo lực. Tình bạn, tình đồng đội cũng là một chủ đề phim đề cao. Cách thể hiện hơi có motif của Andersen trong truyện Người bạn đồng hành, khi các tác giả tìm cách dựng người chết dậy để trả ơn hoặc cứu mạng người sống. Tất nhiên cách của Nolan có vẻ khoa học hơn.

Thực ra người xem vẫn giải trí được mà không cần và cũng không tài nào hiểu cặn kẽ được kịch bản nếu chỉ xem phim một lần. Đọc thêm các bài phân tích thì cũng chỉ đủ để hiểu rằng tác giả phải dồn toàn bộ tư duy nhằm đảm bảo được sự kín kẽ của đường dây cốt truyện xuôi ngược trên 2-3 dòng thời gian cùng lúc, nên chắc chắn chẳng còn hơi đâu để thêm thắt các khía cạnh khác.

Tác giả hẳn rất tâm đắc với phát minh của mình: Cho nhân vật trở về quá khứ đánh nhau với chính mình. Nếu chỉ thế thì không mới, Looper (2012) hay Predestination (2014)… đã làm. Điểm nâng cấp của Nolan là có thể trở về quá khứ theo hai chiều thuận và nghịch. Nhưng Nolan hơi chủ quan khi cho nhân vật không hề nhận ra bản thân. Tức là bộ đồ phòng độc kín mít (tránh việc hít vào carbonic khi trở lại quá khứ nghịch đảo) mà phiên bản tương lai của nhân vật mặc không cho phép anh ta nhận diện đối thủ (trong trường hợp nhận ra thì cả hai đều tự nhiên lăn ra chết- phim quy định thế). Do vậy, hoàn toàn có khả năng giết nhầm chính mình, chứ đừng nói là quân mình. Thế mà cũng vẫn giải cứu được thế giới mới tài?!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.