Thông tin về vắc xin phòng bệnh 'ăn não người' đang có ở Việt Nam

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Do yêu cầu cao về công nghệ nên số lượng nhà sản xuất trên toàn thế giới ít, vắc xin phòng viêm não mô cầu được sử dụng để phòng bệnh cho người khỏe mạnh và chỉ được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, vắc xin nói chung và vắc xin phòng não mô cầu nói riêng được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp (tạo ngân hàng chủng vi rút từ vi rút gốc, tạo chủng làm việc…), thời gian cần thiết trung bình cho sản xuất là từ 6-12 tháng; từng lô sản xuất/nhập khẩu phải được kiểm định trong nước và nước ngoài và chỉ được lưu hành sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

Hơn nữa, do yêu cầu cao về công nghệ nên số lượng nhà sản xuất trên toàn thế giới ít; vắc xin được sử dụng để phòng bệnh cho người khỏe mạnh và chỉ được sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng.

Bệnh viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên và thường có khả năng gây thành dịch. Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1- 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong 30-40% nếu điều trị không kịp thời.

Trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin phải được cơ quan kiểm định có thẩm quyền của nước ngoài  kiểm tra đáp ứng yêu cầu. Sau khi đã nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin phải được tiếp tục kiểm định bởi Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu mới được đưa ra lưu hành, sử dụng.

Bệnh não mô cầu là một trong các bệnh dễ mắc phải vào mùa hè. Số bệnh nhân mắc não mô cầu trong những năm gần đây không nhiều song đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Điều nguy hiểm là bệnh lây lan qua đường hô hấp. Để chủ động phòng bệnh cách tốt nhất là tiêm vắc xin. Theo ông Đông, hiện việc tiêm phòng bệnh não mô cầu chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia mà mới chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ.

Để đảm bảo cung ứng vắc xin phòng não mô cầu phục vụ tiêm chủng cho nhân dân, Cục Quản lý Dược đã có các công văn gửi các đơn vị có liên quan và yêu cầu các đơn vị này cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, đấu thầu, mua sắm nhằm đảm bảo kịp thời, đủ vắc xin…

Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cung cấp các thông tin liên quan đến: Tình hình dịch tễ học (số ca, typ mắc phải) của bệnh do não mô cầu tại Việt Nam trong thời gian gần đây; số lượng từng loại vắc xin phòng bệnh do não mô cầu đã được sử dụng trong tiêm chủng tại Việt Nam trong 3 năm gần đây; dự kiến nhu cầu sử dụng vắc xin phòng bệnh do não mô cầu theo từng quý năm 2018 và năm 2019 để các cơ sở nhập khẩu có thể chủ động đặt hàng sớm với nhà sản xuất, nhà cung ứng thuốc nước ngoài).

MỚI - NÓNG