Thống nhất đất nước đến đổi mới toàn diện

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đổi mới năm 1986 Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đổi mới năm 1986 Ảnh tư liệu
TP - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến 20-12-1976 tại Hà Nội. 29 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân, các tổ chức quốc tế được người tham dự.

>> Những chặng đường vinh quang

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đổi mới năm 1986 Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội đổi mới năm 1986. Ảnh tư liệu.

Đại hội lần thứ IV của Đảng diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong cả nước, là tiền đề để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Điều lệ mới trong đó đặt chức danh Tổng Bí thư thay chức danh Bí thư thứ nhất.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức, 32 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội. 47 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân, tổ chức cách mạng các nước được mời tham dự.

Đại hội lần thứ V của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đã khắc phục cơ bản hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh; hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước; tham gia bước đầu vào hoạt động của Hội đồng Tương trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, đất nước vẫn bị bao vây, cấm vận về kinh tế.

Đại hội xác định 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới có quan hệ chặt chẽ với nhau: Một là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; hai là, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18-12-1986 tại Hà Nội. 32 đoàn đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế được mời tham dự.

Đại hội lần thứ VI của Đảng là một trong những Đại hội có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội họp trong hoàn cảnh trong nước và quốc tế có những biến đổi quan trọng. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước có những kết quả nhất định. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, thực hiện nghĩa vụ quốc tế có những thắng lợi to lớn.

Một số chính sách mới được ban hành phù hợp với đòi hỏi của thực tế như Chỉ thị 100 CP về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, Quyết định 25 CP về quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh... Một số nhân tố mới xuất hiện như ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Long An... Song nước ta vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng về kinh tế, cơ chế hành chính quan liêu bao cấp kéo dài quá lâu, bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội vẫn tồn tại...

Trên thế giới, công cuộc cải tổ, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa diễn ra với các xu hướng, mục tiêu khác nhau. Trong bối cảnh đó, như Tổng Bí thư Trường Chinh nói tại Đại hội lần thứ X của Đảng bộ Hà Nội (tháng 10-1986): “Đối với nước ta, đổi mới càng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”.

Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Trên cơ sở đó, Đại hội đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực cũng như những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, công tác tư tưởng - lý luận, công tác tổ chức và cán bộ...

Từ thực tiễn cách mạng, Đại hội đã tổng kết những bài học quan trọng. Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối Đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là đổi mới cơ cấu kinh tế; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; cải cách lớn về bộ máy Nhà nước; đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức, đội ngũ cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác.

Đại hội lần thứ VI của Đảng bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trọng trách cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.