Trên thực tế, việc bùng nổ smartphone chỉ nhằm phục vụ khoảng 53% thị phần người dùng điện thoại di động trên thế giới, vẫn còn có tới 47% người dùng chỉ sử dụng điện thoại để nghe gọi và nhắn tin, ngoài ra không sử dụng thêm bất kỳ chức năng nào mà các nhà sản xuất smartphone phát triển.
Đây là con số được trích từ nghiên cứu GSMA Intelligent của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ GSM, khảo sát trên 56 thị trường khắp thế giới, chiếm khoảng 80% số lượng người dùng toàn cầu.
Mặc dù vậy, Nokia – ông vua của điện thoại di động trước thời smartphone, đã rơi vào khủng hoàng trầm trọng, bởi người dùng tuy không có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hay ứng dụng thông minh, nhưng vẫn muốn trải nghiệm dịch vụ nghe gọi nhắn tin phổ thông trên những chiếc smartphone thời thượng có màn hình cảm ứng.
Nokia sẽ trở lại trong cuối tháng này, với 1 mẫu điện thoại phổ thông được làm lại, rõ ràng nó có cơ hội để sống nếu như phục vụ được 47% người dùng trên thế giới.
Top 10 quốc gia mà người dùng ràng buộc vào smartphone
Nghiên cứu trên còn chỉ ra chỉ số khá thú vị, so sánh mức độ ràng buộc của người dùng với smartphone trên từng quốc gia. Không lạ khi Hàn Quốc cùng Qatar chiếm vị trí cao nhất, khi người Hàn Quốc sử dụng smartphone ở mọi lúc mọi nơi, và dùng rất nhiều ứng dụng thông minh.
Các vị trí tiếp theo là Mỹ, Saudi Arabia, Australia hay các nước phát triển ở châu Âu, đây đều là những thị trường ưa thích và thậm chí lệ thuộc vào smartphone.
Nhật Bản không nằm trong danh sách ràng buộc bởi smartphone, bởi dân số già và phần đông dân Nhật không có nhu cầu sử dụng smartphone nhiều hơn là nghe gọi và nhắn tin. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 36, nằm ở giữa của bàng xếp hạng thú vị này.
Theo nghiên cứu, từ nay tới năm 2030, tỉ lệ số người sử dụng điện thoại di động chỉ để nghe gọi và nhắn tin sẽ giảm từ 47% xuống còn khoảng 29%, do sự phát triển của những ứng dụng hiện đại đã tỏ ra có lợi ích và hiệu quả rõ rệt hơn so với những chức năng cơ bản của chiếc điện thoại, cộng với việc giá của smartphone lúc đó sẽ rẻ như những chiếc điện thoại phổ thông, và mọi người dù giàu hay nghèo cũng có thể sở hữu.