Thống đốc Lê Minh Hưng: Gần 200 cán bộ ngân hàng bị khởi tố

TP - Đăng đàn giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng không “né” tránh trách nhiệm, lần đầu tiên thông tin tới Quốc hội và cử tri số lượng các vụ án, cán bộ ngân hàng vi phạm bị xử lý theo pháp luật thời gian qua. 

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: “Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu là bổ sung trong dự thảo nghị quyết là không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng”.

Nợ xấu đến từ đâu và tỷ lệ các khu vực trong nền kinh tế thế nào là điều các đại biểu đặc biệt quan tâm những ngày qua. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ. “Chúng tôi đã có đầy đủ các số liệu báo cáo và sẵn sàng báo cáo chi tiết gửi đến các vị ĐBQH”, Thống đốc nói.

Về nguyên nhân, Thống đốc cho hay ngành đã tổng hợp với hai cụm lý do chính đến từ khách quan và chủ quan. Ví như nợ khách quan bao gồm: chu kỳ kinh tế và khủng hoảng trên thị trường tài chính tiền tệ và kinh tế quốc tế tác động rất mạnh đến trong nước; thị trường bất động sản có một giai đoạn rất dài trầm lắng.

Các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả sản xuất thấp nên khi có biến động đều gián tiếp và trực tiếp  gây ra nợ xấu. “Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, các yếu tố này cũng làm gia tăng nợ xấu trong nền kinh tế và nợ xấu của hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nói.

Thống đốc thẳng thắn thừa nhận, phần chủ quan đó là quy trình tín dụng của một số tổ chức chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng và khách hàng lợi dụng.

Nhiều mức án nghiêm khắc

Một trong những điểm của dự thảo nghị quyết nợ xấu được các ĐBQH quan tâm và yêu cầu đưa vào là việc quy trách nhiệm những cán bộ ngân hàng vi phạm.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian qua, cơ quan thanh tra giám sát của ngân hàng đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như trực tiếp Ngân hàng Nhà nước đã chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.

Từ năm 2011 đến năm 2016, theo thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

“Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng và có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù”, Thống đốc nói.

Thống đốc khẳng định: “Trong đề án chúng tôi đề ra giải pháp định hướng rất rõ, một mặt xử lý nợ xấu nhưng mặt khác ngăn ngừa các nợ xấu phát sinh. Căn cứ ý kiến của các ĐBQH, Chính phủ xin tiếp thu nhiều nội dung quan trọng để thể hiện trong dự thảo nghị quyết”.

“Nguyên nhân nợ xấu phần chủ quan còn phải nhắc tới đạo đức của cán bộ ngân hàng. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn, câu kết với khách hàng để cố ý làm trái các quy định, đe dọa đến hoạt động và tính lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng. Các hành vi vi phạm pháp luật này trong thời gian qua đều đã, đang, sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Thống đốc Lê Minh Hưng

MỚI - NÓNG