Thống đốc: Các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương tái cơ cấu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương cấp có thẩm quyền và hiện nay Ngân hàng Nhà nước, các bộ, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Kiên định mục tiêu giữ "đại cục"

Ngày 1/6, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu giải trình tại diễn đàn Quốc hội về điều hành lãi suất và tín dụng.

Theo bà, năm 2022 và 2023, việc điều hành chính sách tiền tệ trong một bối cảnh đầy khó khăn, thách thức và có rất nhiều diễn biến mới phức tạp hơn, khó lường hơn so với thời điểm Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết.

“Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiên định xuyên suốt với mục tiêu giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và theo dõi sát diễn biến, tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để ứng phó linh hoạt”, Thống đốc nói.

Bà Hồng khẳng định, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cũng cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo được “đại cục”.

Thống đốc: Các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương tái cơ cấu ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh Như Ý

Thống đốc đưa 2 lý do năm 2022 phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn. Trước tiên, do lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, ở trong nước lạm phát dù bình quân tăng 3,15%, tuy thấp so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt trong nửa cuối năm 2022 lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh từng tháng và đến cuối năm lạm phát so với cùng kỳ đã ở mức khoảng 5%.

“Với những diễn biến trong sự đổ vỡ của ngân hàng Mỹ vừa qua cũng như Credit Suisse cho thấy ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là một điều hết sức đúng đắn và các cấp có thẩm quyền rất quan tâm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Điểm thứ hai, theo bà, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đôla tăng giá rất mạnh.

“Vào thời điểm tháng 9, tháng 10 năm ngoái, đồng Việt Nam áp lực mất giá lên đến 9-10%. Cho nên lúc đấy nếu chúng ta không có những giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2002”, bà Hồng cho hay.

“Vấn đề này ít được nhắc đến mà tập trung chủ yếu đối với vấn đề lãi suất. Khi ổn định được tỷ giá trở lại và với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát thì trong những tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt và điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% bình quân so với cuối năm 2021”, bà Hồng lý giải.

Cũng theo Thống đốc, với điều hành tín dụng cũng vậy. Vào tháng 10 năm ngoái, đại biểu Quốc hội nêu, đó là thời điểm diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB “chưa từng có trong lịch sử” và nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống ngân hàng rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt phải đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Sau khi thanh khoản ổn định trở lại, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Về vấn đề tiếp cận tín dụng, theo Thống đốc, vấn đề này cần phải được mổ xẻ và phân tích nguyên nhân, mới có giải pháp đúng.

Về cơ chế, bà khẳng định, chính sách cho vay vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi về mặt cơ chế, chính sách.

"Những tháng đầu năm dư địa room tín dụng rất thoải mái, không bị chậm và thanh khoản hệ thống được Ngân hàng nhà nước duy trì rất dư thừa và không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay”, bà Hồng quả quyết.

Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, Thống đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này thường cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý.

Cho nên, giải pháp bây giờ phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Như vậy sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.

"Có tâm lý e ngại"

Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Hồng thừa nhận, dù dành nhiều thời gian để triển khai, tuy nhiên kết quả vẫn thấp và có tâm lý e ngại của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Trước tình hình đó Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.

Về gói 120.000 tỷ đồng, bà Hồng cho biết, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước “tự nguyện tham gia” để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp. Đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022.

Nguồn vốn do chính các ngân hàng huy động và lãi suất giảm từ 1,5% đến 2% do chính từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Điều này thể hiện sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm của 4 ngân hàng thương mại này.

“Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất và hiện nay Bộ Xây dựng cũng đã có các hướng dẫn, ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án”, bà Hồng nói.

Về tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, theo bà Hồng, trong điều kiện bình thường đã rất khó rồi, trong điều kiện khó khăn như thế này lại càng khó hơn. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngân hàng đầu tiên và cũng yêu cầu phải tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu.

"Cho đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương cấp có thẩm quyền và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt các bước để trước khi phê duyệt đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.