Ngày 25/4, ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, cho biết thông 3 lá vốn là cây rừng đặc hữu của thành phố. Cây thông là tài sản nhà nước nên dù nằm trên đất có “sổ đỏ” của công dân thì khi muốn cưa hạ, cũng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo ông Sơn, với những cây thông do các hộ gia đình tự trồng, chăm sóc trên đất nông nghiệp hoặc đất ở, khi cây trưởng thành (đường kính từ 10 cm trở lên), muốn cưa hạ để lấy gỗ hoặc di chuyển đi nơi khác đều phải được UBND xã, phường xác nhận "thông tự trồng"; nếu không có giấy xác nhận này, sẽ bị xem là cưa hạ, vận chuyển thông trái phép.
Thông do hộ cá thể trồng nhưng khi khai thác phải xin phép |
Cùng ngày, lãnh đạo Ban Quản lý rừng Lâm Viên (QLRLV) cho hay với những cây thông mọc trong các khu dân cư ở Đà Lạt, nếu có dấu hiệu bị mục, nguy cơ ngã đổ, đe dọa tính mạng, tài sản, người dân làm đơn xin cưa hạ gửi Ban QLRLV. Đơn này phải được UBND phường, xã (nơi có cây bị mục) xác nhận; kèm ảnh chụp toàn thân cây thông và vị trí cây có khả năng gãy đổ, nguy hiểm.
Thông nội ô Đà Lạt chết đứng |
Sau khi nhận đơn, Ban QLRLV sẽ mời Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và UBND phường, xã đi xác minh thực tế; đề xuất UBND TP.Đà Lạt ban hành quyết định cho chặt hạ cây; kèm theo yêu cầu phải trồng lại 5 cây thông khác ở vị trí cưa hạ nhằm bảo đảm không gian xanh cho Đà Lạt.
Khi nhận được quyết định, người dân liên hệ Ban QLRLV để đóng phí cưa hạ thông (trên dưới 5 triệu đồng/cây), tùy trữ lượng của cây và vị trí cưa hạ dễ hay khó. Ban QLRLV sẽ điều động lực lượng chuyên môn đến cưa hạ.
Quy định chặt chẽ là thế nhưng nhiều đối tượng vẫn lén lút triệt hạ thông để lấn chiếm đất rừng làm nhà, trồng cây nông nghiệp trái phép; cưa cắt, “xẻ thịt” cây thông để lấy gỗ và “giải phóng mặt bằng” nhằm thuận tiện cho việc xây nhà, san nhượng đất đai… Hậu quả, rừng thông nội ô Đà Lạt teo tóp dần.
Thông dưới chân đèo Prenn bị lén lút cưa hạ, xẻ gỗ tại chỗ |
Mới đây, như Tiền Phong vừa đưa tin, hàng loạt cây thông cổ thụ tại lô đất số 19 nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (phường 10, Đà Lạt) bị triệt hạ. Lô đất này và lô đất liền kề (số 17) thuộc sở hữu của vợ chồng hai người con trai một vị cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Lực lượng chức năng đã phối hợp khám nghiệm hiện trường, xác định 8 cây này có đường kính từ 38 - 72 cm; một số cây đã bị lấy đi, số gỗ còn lại là 11,157m3.
Những cây thông trăm tuổi bị triệt hạ |
Ban QLRLV đang phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP.Đà Lạt khẩn trương xác minh, truy tìm đối tượng triệt hạ thông.