Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, cho hay, tỉnh Hà Giang áp dụng phương án “4 tại chỗ” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 là lãnh đạo, chỉ huy tại chỗ; nhân lực tại chỗ; phương tiện tại chỗ; trang thiết bị hậu cần tại chỗ.
Với các điểm thi dễ bị chia cắt như Su Phì, Xí Mần, có một số thí sinh nguy cơ không đến được điểm thi nếu có mưa lũ, Ban chỉ đạo thi yêu cầu đưa các em về điểm thi trước ngày thi và có bố trí ăn, ở.
Tại huyện Vị Xuyên, có xã Cao Bồ thường xuyên xảy ra mưa lũ, giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt tại các thôn. Chính quyền địa phương đã đến từng nhà vận động các gia đình đưa học sinh đến điểm thi sớm, có thể ăn nghỉ lại tại nhà trọ, gia đình người thân gần điểm thi để các em đến điểm thi an toàn và đúng thời gian. Huyện Vị Xuyên bố trí chỗ ở cho học sinh ở xa tại các trường học gần kề, huy động xã hội hóa hỗ trợ chỗ ăn nghỉ, giúp các em đến điểm thi an toàn.
Đảm bảo giao thông đi lại thông suốt trong các ngày diễn ra kỳ thi. Ảnh: Văn Đức |
Còn học sinh tại các trường dân tộc nội trú, bắt buộc phải ở lại trường trong những ngày thi. Những điểm thi khác, phụ huynh, thí sinh chủ động đăng ký ăn ở tại khu vực, nếu không, sẽ phải cam kết đảm bảo đi lại đúng giờ thi với điểm thi.
Tỉnh Sơn La gần 11.800 thí sinh, bố trí tại 34 điểm thi, 525 phòng thi; huy động trên 1.500 cán bộ coi thi, phục vụ, bảo vệ đề thi. Ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã phát động thi đua cao điểm 120 ngày cống hiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm nay. Sau 120 ngày thi đua, công đoàn cơ sở các trường học trực thuộc đã phát động giúp đỡ trên 2.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 1 tỷ đồng; hơn 30.000 tiết phụ đạo miễn phí cho học sinh.
Trong những ngày này, ngành GTVT Hà Giang tăng cường tuần đường, trực điện thoại và tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời; chủ động khắc phục sự cố; bố trí cán bộ Ban quản lý các dự án trực 24/24 tại các gói thầu đang thi công; bố trí máy móc, nhân lực, phương tiện trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Với mục tiêu không để học sinh bỏ thi do thiên tai và điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nên các ngành, huyện, thành phố đều chủ động phương án đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, trong đó danh sách, số điện thoại thí sinh được cập nhật đầy đủ; các em ở xa được vận động về điểm thi sớm; đối với học sinh thuộc diện hưởng chính sách, tỉnh hỗ trợ kinh phí ăn, ở cho các em đến hết tháng 6 để các em yên tâm ôn tập tại trường.
Các địa phương đều trích ngân sách hỗ trợ các điểm thi, đảm bảo phương tiện đưa đón thí sinh ở xa; huy động xã hội hóa phục vụ kỳ thi. Các đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ thí sinh trong mọi tình huống.
Các em học sinh vùng cao Yên Bái chuẩn bị cho ngày dự thi. Ảnh: Văn Đức |
Ứng phó thời tiết bất thường
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai, lực lượng thanh niên tình nguyện “tiếp sức mùa thi” sẽ thường xuyên túc trực hỗ trợ, xử lý nhanh tình huống bất thường xảy ra với thí sinh, đặc biệt ở trường vùng cao, đi lại khó khăn. Sở GD&ĐT Lai Châu ban hành kế hoạch, phối hợp Sở GTVT lên phương án xử lý kịp thời đối với các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở, đảm bảo cho giao thông luôn được thông suốt trước, trong và sau kỳ thi.
Theo ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, việc chủ động ứng phó thời tiết bất thường giúp cán bộ làm thi và thí sinh di chuyển thuận lợi, đặc biệt là vận chuyển đề thi đến các điểm thi và vận chuyển bài thi từ các điểm thi về Hội đồng thi đảm bảo thời gian theo quy định.
Sở GD&ĐT Điện Biên đã thành lập các đoàn kiểm tra việc đảm bảo yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất. Hiện còn một số điểm thi tại các huyện như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ… có điều kiện đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi xảy ra mưa lũ. Do vậy, Sở GD&ĐT đã lên phương án phối hợp các địa phương và Sở GTVT chủ động lên kế hoạch để có các biện pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục đã thống nhất với Sở GTVT và các huyện, thị về phương án dự phòng trong công tác vận chuyển đề thi khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đường”.
“Đối với thí sinh ở xa, Sở GD&ĐT Điện Biên chủ trương bố trí các em nghỉ tập trung tại các điểm thi, tổ chức nấu ăn tại chỗ để bảo đảm không thí sinh nào phải bỏ thi do việc đi lại khó khăn”, ông Đoạt nói. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết, 27 điểm thi trên toàn tỉnh đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi THPT năm 2023.
Đối với những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, các điểm thi được tập trung tại trung tâm huyện. Các thí sinh tại điểm lẻ được hỗ trợ tiền ăn, ở trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, cho biết, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành phải đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra một cách nghiêm túc, tuyệt đối an toàn, đúng quy chế.
“Các lực lượng làm nhiệm vụ có phương án phối hợp giữa các trường, địa phương, cha mẹ học sinh để đảm bảo 100% thí sinh tham gia dự thi. Vận động học sinh ở xa, học sinh có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đến ở trọ xung quanh nhà trường để đảm bảo dự thi đúng giờ; phối hợp với gia đình học sinh có chế độ ôn tập, sinh hoạt hợp lý để đảm bảo sức khỏe tham dự kỳ thi”, bà Hạnh nói.