Sở LĐTB&XH cho hay, có 516 người tham gia cai, trong đó 378 người được cấp chứng nhận hoàn thành.
Chìa khóa câu lạc bộ
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội khẳng định rằng, chính những câu lạc bộ (CLB) cai nghiện cởi mở từ các xã, phường lập ra là chìa khóa thành công cho việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Theo ông, CLB làm được hai điều quan trọng mà các cơ sở cai nghiện tập trung khó có thể. Thứ nhất là kết nối cùng lúc sự ủng hộ, quyết tâm của gia đình với các lực lượng chức năng (công an, y tế, Đoàn thanh niên, tổ dân phố…) để kèm cặp sát sao, đưa ra phương pháp cai thích hợp cho từng người nghiện. Thứ hai là cho họ một sân chơi để giải tỏa tâm lý, có động lực cai nghiện hơn.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Huỳnh Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết nhờ CLB cai nghiện, 15/17 em trên địa bàn đã tiến bộ. “Trước tiên Công an và Trạm y tế sẽ thẩm định tình trạng nghiện, hướng dẫn người nghiện và gia đình đăng ký cai. Tiếp theo sẽ tổ chức cắt cơn, giải độc tại Trung tâm y tế. Suốt quá trình theo sát người nghiện, các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh làm công tác tư tưởng, động viên và đặc biệt phải lắng nghe nguyện vọng của người nghiện để tìm hướng hỗ trợ cho thiết thực. Nhiều em đã vay được vốn, hỗ trợ phương tiện, máy móc, có việc làm ổn định”.
Trong khi đó, tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), CLB cai nghiện ở đây lại nghĩ ra cách đưa các em đi thăm Trại giáo dưỡng, cơ sở xã hội Bàu Bàng (huyện Hòa Vang) để thấy được hậu quả của việc nghiện ma túy cũng như sự khác biệt giữa cai tập trung với cai tại nhà. Sau chuyến “tham quan” này, phần lớn đã “rùng mình” và nỗ lực cai thành công.
Còn tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), CLB hấp dẫn đến nỗi mỗi lần có sinh hoạt, tuyên truyền, người nghiện tự tìm tới chứ không cần vận động. CLB cho các em dự phiên tòa xét xử lưu động những đối tượng mua bán và tàng trữ chất ma túy để mục sở thị bản án việc sa lún vào nàng tiên nâu. Không chỉ vậy, các em còn được tham gia vào công tác từ thiện, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ nên dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. 15/21 em đã cai thành công, trong đó 13 em có việc làm.
Hà Văn T. (25 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cảm kích: “Lúc đầu em rất khó chịu, nhưng mọi người trong CLB, đặc biệt là các cô ở Hội phụ nữ xem như con ruột, lúc nào cũng động viên và phân tích rõ quá trình cai tại nhà, cộng đồng nên em cũng “xiêu”. Cắt cơn giải độc xong, em được xin việc tại cơ sở điêu khắc đá, hỗ trợ thêm máy cắt, máy mài. Em thật sự biết ơn CLB, nếu không có mọi người thì chắc chắn em sẽ không có ngày hôm nay”.
Giảm kỳ thị
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chỉ ra những ưu thế của việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng so với cai tại cơ sở tập trung. Đó là ít chi phí do được hỗ trợ; không cách ly, gián đoạn việc học và làm; được sự động viên trực tiếp từ gia đình, người thân; giảm tải cho các cơ sở cai nghiện. “Quan trọng hơn cả là người nghiện không áp lực tâm lý bị kỳ thị như khi phải đến một nơi cai tách biệt. Chưa kể ở đó có nhiều người nghiện, nhiều đối tượng tệ nạn sẽ có nguy cơ chùn bước, bị lôi kéo dụ dỗ sau cai”, ông nhìn nhận.
Đồng quan điểm này, Thiếu tá Nguyễn Việt Hùng (Phó Trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho rằng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phù hợp với người mới cai lần đầu do yếu tố tâm lý rất quan trọng. Nếu người nghiện vừa được quản lý chặt chẽ vừa được vỗ về, kề cạnh với người thân thì hiệu quả cai nghiện sẽ cao hơn. Anh cũng cho rằng, ở giữa gia đình và cộng đồng, người nghiện sẽ mạnh dạn nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, từ đó sớm được tìm được các nguồn hỗ trợ.
Tại cuộc họp, ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề xuất nên thành lập một trung tâm tư vấn, xử lý các vấn đề liên quan tới việc cai nghiện một cách chuyên nghiệp. “Cắt cơn, giải độc tại các trung tâm y tế là giải pháp tình thế, bởi rất khó kiểm soát người ra vào và cũng gây tâm lý cho người cai, người thân, các cán bộ cũng như toàn thể bệnh nhân. Nếu có điều kiện, nên có một trung tâm riêng biệt, vừa tư vấn tâm lý, vừa điều trị, vừa hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến cai nghiện thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”.
Một số xã phường nêu khó khăn khi tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như người nghiện và gia đình không hợp tác, mô hình không hiệu quả, trung tâm y tế không đảm bảo cơ sở vật chất… Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH nhấn mạnh: “Không được coi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chẳng qua là thủ tục để sau đó đưa đi cai nghiện tập trung. Muốn tập hợp người nghiện và thực hiện hiệu quả thì đừng bao giờ áp dụng phương pháp, nguyên tắc cai tại các cơ sở. Cai ở nhà và cộng đồng bao giờ cũng cần sự mềm dẻo, bền bỉ và tâm huyết tới cùng”.