Thợ săn 25 tuổi và nghề ‘chọn mặt trao lương khủng’

Nguyễn Thạc Thắng (thứ 2 từ phải sang) và các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.
Nguyễn Thạc Thắng (thứ 2 từ phải sang) và các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC.
Với gần 4 năm kinh nghiệm, tìm kiếm thành công hàng trăm nhân sự cao cấp cho các công ty, tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam, Thắng là headhunter trẻ tuổi nhưng già nghề.

Nguyễn Thạc Thắng, 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH Kent (Anh) năm 2010, đã có gần 4 năm kinh nghiệm săn đầu người (headhunter) tại Việt Nam và là một trong những thợ săn trẻ tuổi nhưng già nghề trong giới headhunter hiện nay.

Trúng tuyển vì… lỳ

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, về nước, Thắng được bố mẹ gợi ý nên tận dụng mối quan hệ của gia đình để có một công việc ổn định. Thế nhưng cậu lại chọn hướng đi độc lập, tự tìm kiếm công việc phù hợp nhằm tìm hiểu thị trường Việt Nam, phát triển những kỹ năng cần có để từng bước thực hiện ước mơ dài hơi là mở một công ty riêng. Với mong muốn ấy, Thắng quyết định chọn headhunt là nghề khởi nghiệp. “Nghề này là con đường ngắn nhất giúp mình tiếp xúc với những nhân tài, tìm kiếm và học hỏi ở họ những bài học kinh doanh, các tố chất để trở thành một nhân sự hàng đầu, đồng thời, có những hiểu biết và đánh giá sâu sắc về tình hình thị trường nhân lực trong nước”, Thắng chia sẻ.

Dù xuất hiện khá lâu, thời điểm đó, săn đầu người vẫn là nghề chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là nghề đòi hỏi người làm cần có nhiều năm kinh nghiệm, quan hệ rộng và thành thạo nhiều kỹ năng mềm như thuyết trình, đàm phán, quan hệ công chúng.... Tự nhận mình lúc ấy còn "non" nhưng vì mục tiêu đã chọn, Thắng quyết trở thành một headhunter.

Tìm ra hơn 10 công ty làm dịch vụ săn đầu người tại Việt Nam, gửi email liên hệ cho hàng loạt các contact (địa chỉ liên hệ) của những chuyên gia săn đầu người nổi lên lúc đó, hơn 2/3 thư gửi đi được phản hồi nhưng "anh lính mới" đều nhận được những câu trả lời cùng một nội dung "còn quá non trẻ để làm một thợ săn". Một số người gợi ý Thắng nên tìm những con đường gián tiếp, dễ dàng hơn để từng bước tiếp cận với nghề. Tưởng chừng mục tiêu đành phải rẽ hướng, may thay, một team headhunter của Navigos, công ty hàng đầu về săn đầu người tại Việt Nam thời bấy giờ, khuyết một vị trí. Vậy là Thắng được gọi đi phỏng vấn.

Ngót 4 tiếng đồng hồ, Thắng bị “quay” chóng mặt bởi những chuyên gia nhân sự cấp cao, sành sỏi trong nghề chỉ chú tâm vào việc cho mình thấy những non kém của bản thân hòng “thử trình lính mới”. Nhưng vì đã chuẩn bị tâm lý trước, tự tin ở phông kiến thức của bản thân, trình độ tiếng Anh tốt và giữ vững lập trường, cuối cùng, Thắng nhận được cái gật đầu của ban tuyển dụng. Nhận mức lương thấp nhất công ty, 10 triệu đồng/tháng, nhưng lượng công việc ngang ngửa các thợ săn dày kinh nghiệm, Thắng tự nhủ cần cố gắng gấp nhiều lần để “đốt cháy khoảng cách”.

Không đơn giản là “buôn nước bọt”, nhận lương khủng

Thị trường tuyển dụng tại Việt Nam luôn sôi động nhưng riêng đối với nhân sự cấp cao, hoạt động tuyển dụng diễn ra phức tạp hơn, gian nan hơn nhiều. Môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với những nhân sự cao cấp là những nhân tài giàu trải nghiệm nên Thắng phải nỗ lực vượt bậc, hoàn thiện mình để nói chuyện, trao đổi, tranh luận với họ trước khi “săn” họ.

Sau 3 tháng “ập” vào việc, học từ cách search database (truy cập dữ liệu), phân tích, chọn lọc hồ sơ đến những nghệ thuật làm quen, bắt chuyện và đối thoại…, Thắng có chiến công đầu tiên của mình là tìm thành công nhân sự cho vị trí trợ lý tổng giám đốc một công ty viễn thông lớn ở Việt Nam. Ứng viên học MBA tại Nhật, nhận việc và chốt mức lương với công ty 25 triệu đồng/tháng.

Thợ săn 25 tuổi và nghề ‘chọn mặt trao lương khủng’ ảnh 1

Một buổi diễn giảng về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên của Nguyễn Thạc Thắng tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Một trong những deal (đơn hàng) lớn nhất Thắng đã làm là tìm kiếm vị trí giám đốc nhân sự cho một tập đoàn kinh tế đa lĩnh vực với hơn 20 công ty con tại Việt Nam, quy mô hơn 3.000 người. Thời gian tập đoàn trên trống vị này lên tới 7 tháng, nhân sự trước đó đảm nhận vị trí khoảng 50 tuổi, mức lương được phía tập đoàn thông báo là 5.000 đôla (hơn 100 triệu đồng/tháng). Chừng đó thông tin đủ để Thắng hiểu tầm vóc và đẳng cấp của nhân tài mình cần săn về cho khách hàng phải là người có kinh nghiệm tương đương nhân sự cũ và thậm chí phải giỏi hơn họ thì mới có thể ngồi vào vị trí đã buộc phải để trống thời gian dài. Ứng viên phù hợp mà Thắng tìm được đầu tiên là nữ giám đốc một khách sạn lớn tại Hà Nội, có nhu cầu thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên, sau 2 tháng đàm phán, chiến công tưởng chừng đã trong tầm tay thì nhân sự đột ngột thay đổi quyết định, ở lại với công ty. Lý do là phía khách sạn nắm được thông tin về nhân sự, đã thuyết phục chị này ở lại với một vị trí cao hơn.

Bỏ qua 2 tháng vất vả, Thắng tiếp tục săn tìm mục tiêu mới với quyết tâm lớn hơn nhằm bù lại cho khách hàng quãng thời gian phải chờ đợi. Ứng viên được chọn khiến cả Thắng và khách hàng đều hài lòng. Đó là nữ giám đốc nhân sự của một công ty tài chính Mỹ có 300 nhân viên ở Việt Nam. Mức lương được trả cho nhân sự là 5.000 đôla, tăng khoảng 25% so với mức công bố ở công ty cũ.

Những vất vả trong nghề được bù lại bằng khoản thu nhập hàng tháng tương xứng với các chiến công của thợ săn. Tránh tiết lộ chi tiết thu nhập, Thắng chia sẻ, trung bình, lương cơ bản của thợ săn trong những công ty chuyên về dịch vụ headhunt uy tín được tính theo năm kinh nghiệm. Thông thường, với kinh nghiệm từ 0 đến 1 năm, mức này là 7 - 10 triệu đồng/tháng, 1 - 3 năm là 10 - 17 triệu đồng/ tháng, từ 3 năm kinh nghiệm trở lên, lương cứng của headhunter có thể từ 1.000 đôla/tháng trở lên. Bên cạnh đó, các chuyên gia săn đầu người sẽ được hưởng tiền thưởng doanh số hàng tháng bằng 10 - 20% tổng chi phí khách hàng phải bỏ ra cho công ty săn đầu người để mời thành công nhân tài về. Thường mức chi phí này bằng khoảng 2 - 3 tháng lương nhân sự. Như vậy, nếu lương nhân sự cao cấp được ở mức 30 triệu đồng/ tháng thì công ty săn đầu người sẽ được trả phí ít nhất 60 triệu đồng và thợ săn thực hiện thành công job này hưởng hoa hồng ít nhất 6 triệu đồng. Như vậy, một tháng, nếu hoàn thành được khoảng 2 - 3 "job" (đơn hàng về nhân sự) thì riêng tiền hoa hồng cũng có thể gấp 3 - 4 lần lương cơ bản.

Sau gần 4 năm, Thắng đã xử lý hàng trăm “job” khó, dễ khác nhau cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, có chỗ đứng và uy tín trong nghề đủ để nhiều doanh nghiệp lớn “chọn mặt gửi vàng”. Thợ săn trẻ tuổi, già nghề này cho biết, để tìm được nhân sự cấp cao hài lòng khách hàng, một "job" có thể kéo dài từ 2 đến 7 - 8 tháng với rất nhiều cuộc đàm phán, phỏng vấn, đối thoại, cân nhắc, chọn lựa... mà headhunter luôn là người cầm trịch.

Những phi vụ để đời đôi khi lại không phải là vụ có mức lương khủng nhất cho nhân sự mà chính lại ở những vụ tìm nhân tài cho những mức thu nhập tầm trung của nhân sự cao cấp, khoảng 40 - 60 triệu đồng. Và việc nhân sự đồng ý thỏa thuận, nhận việc cũng không chỉ vì lương mà đó là kết quả của một quá trình làm việc công phu giữa thợ săn, khách hàng và ứng viên. Điều đó đủ để thấy công việc của một headhunter không đơn giản chỉ là những chuyến “buôn nước bọt”, nhận lương khủng như suy nghĩ sai lệch của nhiều người.

Nói về thu nhập “như mơ” nhưng Thắng cũng thẳng thắn cho biết, sự thật là khoảng 50% các headhunter không trụ lại được với một công ty tuyển dụng trong khoảng 6 - 9 tháng nếu họ không đủ sức bền, độ thông minh, nhanh nhạy và cả đạo đức để đứng vững và phát triển với nghề.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.