Chiếc máy bay bị thiêu rụi sau vụ ném bom nhằm vào sân bay Benghazi của lực lượng ủng hộ Gaddafi.. |
Ông nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ sân bay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới Libya. Tuy nhiên, ông không cho biết bao giờ thì nước Hồi giáo duy nhất trong NATO này chính thức kiểm soát sân bay Benghazi.
Mấy ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ góp 4 tàu khu trục, 1 tàu ngầm vào lực lượng liên quân quốc tế chống chính quyền của nhà lãnh đạo Libya, Đại tá Moammar Gadhafi, phong tỏa mọi đường vận tải biển tiếp tế cho Tripoli qua đường Địa Trung Hải.
Thủ tướng Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia áp đặt vùng cấm bay tại Libya nhưng không tham gia các cuộc tấn công trên bộ. Ông nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không dùng súng, đạn để chống lại người Libya.
Chiến sự trên bộ giữa lực lượng thân Gadhafi và phe nổi dậy đang diễn ra ác liệt tại thành phố Sirte - quê hương của Đại tá Gadhafi. Sirte là thành phố chặn con đường tiến quân của phe đối lập vào thủ đô Tripoli.
Lợi dụng bối cảnh quân đội Gadhafi bị liên quân không kích, phe đối lập tiến vào các thành phố, thị trấn mà vài ngày trước đây bị rơi lại vào tay quân chính phủ. Ngày 28-3, lực lượng nổi dậy tiến đến địa điểm cách căn cứ của quân đội chính phủ Libya ở Tripoli khoảng 100 km và cách Sirte khoảng 30 km.
Tướng Hamdi Hassi, chỉ huy phe nổi dậy tại thị trấn Bin Jawwad, cho biết, do NATO không kích vũ khí nặng của quân chính phủ nên giờ đây quân nổi dậy có phần lợi thế hơn về vũ khí.
Chẳng hạn, quân nổi dậy có tên lửa Grad, trong khi quân đội thân Gadhafi không có loại vũ khí này. Do liên quân không kích mạnh các mục tiêu của Đại tá Gadhafi liên tục từ hôm 19-3 đến nay, quân chính phủ buộc phải rút khỏi một số căn cứ mà trước đó họ giành được từ tay phe nổi dậy.
Ngày 28-3, lực lượng nổi dậy giành được thắng lợi trên mặt trận ngoại giao khi Qatar tuyên bố chính thức công nhận Hội đồng lâm thời của phe đối lập là một chính thể hợp pháp. Cho đến nay, trong thế giới Ảrập, Qatar là quốc gia duy nhất công nhận chính quyền đối lập ở Libya.
Chính phủ Qatar thậm chí còn cam kết sẽ giúp Hội đồng lâm thời bán dầu thô của Libya ra thị trường thế giới. Qatar cũng là quốc gia Ảrập đầu tiên tham gia lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt vùng cấm bay lên Libya.
Thứ trưởng Ngoại giao Libya, Khaled Kaim, nói tại Tripoli rằng, việc phe đối lập tiến quân về thành phố Sirte, nơi có nhiều thường dân ủng hộ Đại tá Gadhafi, chứng tỏ liên quân đang mở rộng mục tiêu từ chỗ ban đầu nói là để bảo vệ dân thường đến chuyển hướng sang trực tiếp lật đổ chế độ Gadhafi.
Theo AP, Reuters