Chị Mari Giá, một thợ dệt ở Phủm Soài cho biết, chị dệt thổ cẩm từ năm lên mười, đến giờ đã mấy chục năm. “Có lúc khó khăn, phải bỏ nghề dệt đi làm công nhân trong xí nghiệp nhưng rồi nhà nước trợ vốn mua khung cửi và hướng dẫn làm sản phẩm mới nên tôi lại gắn bó với nghề dệt thổ cẩm Chăm, cũng sống được”, chị Mari Giá tươi cười.
Dệt thổ cẩm không dễ, nhưng phụ nữ Chăm thường học từ nhỏ nên lớn lên đều thạo. Nhiều người mới 30 tuổi đã thành nghệ nhân. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm như hơi thở văn hóa Chăm bên dòng Châu Giang thơ mộng, chất chứa nhiều tình cảm của con người, gắn liền với những đặc trưng nếp sống, sinh hoạt, kiến trúc.
Người Chăm ở Châu Phong có gần 1.000 hộ với hơn 5.000 dân và còn 20 hộ giữ nghề dệt thổ cẩm, lập nên hợp tác xã Thổ cẩm Châu Giang. Trong tiếng thoi rộn ràng, Chủ nhiệm HTX Mohamach đang thuê 8 thợ dệt, vui vẻ giới thiệu sản phẩm có ba loại: xà rông, khăn choàng tắm và vải thổ cẩm. Vải thổ cẩm dùng để may áo, mũ, các loại túi xách.
Tơ và sợi để dệt thổ cẩm được nhuộm bằng nhựa cây, vỏ cây, trái cây, màu sắc tự nhiên nên giản dị, hấp dẫn và khá bền, nhất là tạo được nét đặc trưng không thể thay thế trong dệt hoa văn truyền thống. Sản phẩm dệt Châu Giang thu hút khách gần xa cũng bởi hiện lên nét tinh tế khéo léo của văn hóa đặc sắc người Chăm.
Dệt thổ cẩm Chăm có hai loại nguyên liệu, sợi tổng hợp và tơ. Ở nhà Chủ nhiệm Mohamach dệt thổ cẩm bằng sợi tổng hợp. Còn dệt thổ cẩm ở nhà một thành viên HTX, ông Gozaly, lại bằng tơ, cao cấp hơn. Thổ cẩm dệt từ tơ đắt tiền, người Chăm chỉ dùng trong lễ tết. Sợi tơ được ông Gozaly nhuộm với bí quyết riêng, có nhiều màu, dệt ra những tấm thổ cẩm mượt mà. Mỗi người, một ngày chỉ dệt được vài mét thổ cẩm tơ, khổ 2,2 mét.
Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Thổ cẩm Chăm An Giang”. Tiếp đó, “Dự án phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho người Chăm giai đoạn 2008 - 2012” hỗ trợ vốn cho bà con mua máy dệt và phục hồi làng nghề một thời đã tưởng mai một. Đi trên dòng Châu Giang bây giờ lại vẳng nghe câu ca xưa: “Trai nào bằng trai hai huyện/Tháng ngày dệt lụa trồng dâu/Gái nào thảo bằng gái Tân Châu”.