Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao
TPO - Thịt lợn nhập nhưng kênh phân phối chưa đến tay người tiêu dùng trong khi khâu trung gian lớn khiến giá lợn trong nước vẫn duy trì mức cao.

Thông tin khảo sát giá lợn hơi trên cả nước cập nhật đến ngày 7/4 cho thấy đã có xu hướng giảm. Cụ thể, tại miền Bắc, giá dao động từ 76.000 - 80.000 đồng/kg; miền Trung từ 73.000 - 76.000 đồng/kg và miền Nam từ 70.000 - 79.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tại Hà Nội ngày 3/4 vẫn ở mức 78.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc 78.000 đồng/kg; Hưng Yên 80.000 đồng/kg, Hà Nam 76.000 đồng/kg; Đồng Nai 79.000 đồng/kg; TP HCM 79.000 đồng/kg; Bình Dương 75.000 đồng/kg; Cần Thơ 78.000 đồng/kg; Vĩnh Long 76.000 đồng/kg…

Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, các tiểu thương cho biết, giá thịt lợn có giảm nhưng không nhiều vì hiện nay hầu hết các tiểu thương đều không tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn trực tiếp, mà thường lấy qua các cơ sở chế biến lợn thịt số lượng lớn. Khi giá thịt từ các cơ sở vẫn còn cao thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng chưa thể giảm nhanh như dự kiến.

Chị Thu Trang, tiểu thương chợ Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn ngày 7/4 vẫn cao nên không thể bán thấp được. “Tôi cũng muốn bán giá thấp vì giờ bán ế ẩm quá”, chị Trang nói.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, bà Đỗ Thị Ngọc, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng giá thịt heo hiện nay đang ở mức rất cao và tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Giá thịt không thuộc mặt hàng kiểm soát giá mà do doanh nghiệp quy định.

Trước đó, trung tuần tháng 3, Thủ tướng đã chủ trì họp với các bộ Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn... để bình ổn giá thịt heo.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng nêu rõ giá thịt theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, cơ quan quản lý nhà nước về giá, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt heo hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Trường hợp doanh nghiệp cố tình đưa giá lên cao thì Thủ tướng sẽ quyết định nhập khẩu thịt heo từ các nước về Việt Nam để giảm giá, phục vụ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mới đây, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất khiến giá thịt lợn vẫn ở mức cao là do nguồn cung thịt lợn trong nước còn thiếu rất lớn so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường trong Quý I/2020 ước đạt 811.000 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, việc nhập khẩu thịt để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch sẽ thực hiện nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong Quý I, nhưng đến 27/3 mới chỉ thực hiện nhập khẩu được hơn 39.000 tấn.

“Hiện mới có 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước”, ông Tuấn cho biết.

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 1

Tại chợ Khương Thượng (Hà Nội), giá thịt lợn hôm nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt so với tuần trước. Thịt ba chỉ quanh mức 150.000 đồng/kg, sườn non gần 200.000 đồng/kg

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 2 Các tiểu thương tại đây cho biết, lâu nay, giá thịt móc hàm chưa bao giờ dưới 100.000 đồng/kg, đầu mối giao giá nào thì mình chỉ biết bán giá ấy. Trước thông tin về loại thịt nhập khẩu giá rẻ bằng 50% giá trong chợ, chị Hằng (tiểu thương chợ Khương Thượng) cho biết: “Thịt ở đây là thịt tươi, lấy nóng sáng sớm, không thể so với mấy loại đông lạnh được. Cả chợ này không có loại ấy đâu”
Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 3

Giá thịt giữa các quầy trong chợ có chênh lệch khoảng 10.000 đồng/kg. Chợ vắng khách, sức mua yếu, một số tiểu thương đành giảm giá để đẩy nhanh hàng

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 4

Hải sản dù giảm giá nhưng do không phải thực phẩm thiết yếu, giá giảm vẫn ở mức cao so với chi tiêu của nhiều gia đình nên không được các bà nội trợ quan tâm

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 5

Trong những ngày cách ly xã hội, rau xanh và nhiều thực phẩm thiết yếu khác vẫn đầy đủ tại các chợ truyền thống. Bắp cải 10.000 đồng/ cái, rau muống, cải cúc 8.000 đồng mớ, cà chua 25.000 đồng/kg

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 6

Do không thể để lâu, khó bảo quản được tươi ngon như các thực phẩm khác nên nhiều bà nội trợ vẫn đi chợ mua rau tươi hàng ngày

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 7

Sạp hoa quả phong phú các mặt hàng, những loại quả giàu vitamin C được nhiều bà nội trợ quan tâm như chanh leo, cam sành, … có giá lần lượt 30.000 – 50.000 đồng/kg

Thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao ảnh 8

Do thực hiện nghiêm việc hạn chế đi lại, không ra ngoài khi không có việc cần thiết, lượng khách mua sắm tại các chợ truyền thống giảm hẳn, số quầy hàng cũng ít đi nhiều. Việc mua bán diễn ra nhanh gọn, thay vì bán cả ngày, giờ chỉ tới trưa, nhiều tiểu thương đã thu dọn ra về

MỚI - NÓNG