Mỗi xã, phường 1 trường học
Hà Nội đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy học; thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục ; đổi mới quản trị nhà trường… để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, GDPT mới.
Hà Nội dự định, trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu xây dựng 5-7 trường phổ thông tiên tiến hiện đại quy mô tối thiểu 5 ha đất. |
Sắp xếp mạng lưới trường lớp hoàn thiện đạt mục tiêu: mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập; 100% các trường mầm non, nhóm lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn; 100% trường tiểu học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo hướng tiên tiến, hiện đại; mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường tiểu học, THCS công lập' quy mô trường không quá 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh (tiểu học). Đối với bậc THPT, đảm bảo khu vực có từ 3-5 vạn dân có 1 trường THPT công lập.
Trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu xây dựng 5-7 trường phổ thông tiên tiến hiện đại quy mô tối thiểu 5 ha đất tại các huyện gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Thanh Trì, Đan Phượng, Sóc Sơn và quận Hà Đông.
Hà Nội thừa nhận, thực tế hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn quá đông.
Thiếu 7.147 giáo viên các cấp
Để thực hiện các mục tiêu giáo dục, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như kiến nghị đối với các cấp quản lý.
Cụ thể, đối với Chính phủ, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá, đặc biệt là đối với thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nhằm giảm áp lực lên hệ thống trường công lập.
Ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học công lập trong khu vực nội thành cho TP khi di dời trụ sở các Bộ, ngành, các trường CĐ, ĐH, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ra khỏi khu vực nội đô.
Với Bộ GD&ĐT, Hà Nội đề nghị sớm ban hành văn bản thay thế về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông công lập.
Phối hợp Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh các quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, TP trong việc cân đối số lượng, tiêu chuẩn và sử dụng, tuyển dụng đối với giáo viên nhằm đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy và nhân viên tư vấn tâm lý, y tế phù hợp với quy mô học sinh của từng địa phương.
Đối với TP Hà Nội, ngành giáo dục cũng kiến nghị hướng dẫn, xem xét cho phép Trường ĐH Thủ đô phát triển các mã ngành đào tạo giáo viên để đào tạo phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP.
Cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ).
Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với chương trình song ngữ tiếng Pháp, ban hành khung chương trình tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp; quy định về kiểm tra đánh giá học sinh từ lớp 1-12 để phù hợp với chương trình GDPT. Tạo điều kiện mở các lớp tập huấn giáo viên tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp nhằm đáp ứng nội dung chương trình.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhân viên trường học đối với các cơ sở giáo dục công lập vì hiện nay toàn TP thiếu tới 7.147 giáo viên các cấp.