Thiếu trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam: Nhanh nhất năm 2024 mới có

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Giao thông vận tải vừa chính thức lên tiếng về việc thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam mới đưa vào sử dụng. Theo Bộ Giao thông vận tải, dự kiến tháng 8 tới mới công bố danh mục các trạm dừng nghỉ mời gọi đầu tư, sau đó cần 3-5 tháng để chọn thầu và thêm 9-12 tháng để làm xong, nhanh nhất cũng phải năm sau mới có.

Theo Bộ Giao thông vận tải, từ cuối năm 2022 tới nay nhiều thành phần cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tăng từng ngày, kéo theo nhu cầu dừng nghỉ trên đường (ít nhất để đi vệ sinh, tiếp nhiên liệu) đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đều chưa có trạm dừng nghỉ dẫn tới nhiều tài xế, hành khách đi cao tốc bức xúc khi phải tự biến mình thành “người kém văn minh” vì buộc phải dừng ở các đoạn dừng khẩn cấp để đi vệ sinh. Chưa kể, đi kèm đó là nguy cơ tiềm ẩn khi xe hết nhiên liệu giữa đường, hay tai nạn khi dừng nghỉ trên cao tốc, vi phạm các quy định về giao thông đường bộ có thể bị xử phạt.

Điển hình, toàn tuyến cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250 km, chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại Km41, dẫn đến quá tải, người dân đi vệ sinh phải xếp hàng dài.

Thiếu trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam: Nhanh nhất năm 2024 mới có ảnh 1

Người đi cao tốc TPHCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo xếp hàng dài chờ tới lượt đi vệ sinh tại trạm dừng nghỉ duy nhất trên tuyến (Ảnh: VNN).

Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khi thiết kế các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) đều có định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, trạm dừng nghỉ có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ các dịch vụ thương mại đi kèm, nên ưu tiên phương án kêu gọi đầu tư xã hội hoá, không đưa vào hạng mục đầu tư sử dụng vốn của dự án cao tốc (vốn ngân sách). Bộ Giao thông vận tải xác định thiếu trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc mới là bất cập, tạo khó khăn, bất tiện cho người dân.

“Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, trước mắt, với các tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng, trong khi chờ chọn nhà đầu tư, sẽ nghiên cứu mở các điểm dừng nghỉ tạm. Các điểm dừng nghỉ tạm sẽ phần nào giải quyết nhu cầu bức thiết nhất của tài xế, người dân đi cao tốc, như đi vệ sinh, dừng xe nghỉ khi mệt mỏi, nhưng có thể nó chưa được sạch đẹp, chưa có dịch vụ nào đáng kể”, đại diện Bộ GTVT nói.

Với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), theo đại diện Bộ GTVT, rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ đồng thời với triển khai dự án. Đảm bảo khi các dự án cao tốc này đi vào khai thác sẽ có trạm dừng nghỉ đưa vào sử dụng đồng thời.

Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định hiện hành, trên các tuyến cao tốc, trung bình 50 - 60km được bố trí 1 trạm dừng nghỉ cung cấp nhiên liệu, nhà vệ sinh, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi… Tuy nhiên, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn, do ưu tiên kêu gọi xã hội hoá trạm dừng nghỉ, nhưng quy định có liên quan lại chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, nên việc triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, chậm so với tiến độ đưa cao tốc vào sử dụng.

Đầu năm 2023, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư 01/2023/TT-BGTVT, hướng dẫn lập, phê duyệt, mời gọi đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Cùng đó, bộ này đã phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía đông (bình quân 59km có 1 trạm dừng). Trong đó, có 7 trạm dừng đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang xây dựng; số trạm dừng còn lại (27 trạm) sẽ triển khai đấu thầu mời đầu tư trong thời gian tới.

Trước mắt, có 8 trạm dừng nghỉ Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục mời gọi đầu tư trên các tuyến cao tốc đã và sắp đưa vào sử dụng, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1).

Dự kiến, các trạm dừng nghỉ này sẽ được công mời đầu tư trong tháng 8 tới, sau đó cần 3-5 tháng để chọn thầu, thêm 9-12 tháng để hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng đưa vào sử dụng. Với tiến độ này, nhanh nhất năm 2024, các trạm dừng nghỉ đầu tiên trong số này mới có thể đưa vào sử sụng, một số trạm có thể phải kéo dài sang năm 2025.

Với 19 trạm dừng nghỉ còn lại thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, sẽ triển khai mời thầu chọn nhà đầu tư và thực hiện xây dựng để đưa vào sử dụng ngay khi đưa dự án vào sử dụng (năm 2025).

Hiện, trên tuyến cao tốc Bắc – Nam có 7 trạm dừng nghỉ đưa vào khai thác, gồm các cao tốc: Bắc Giang - Hà Nội có 2 trạm; Cầu Giẽ - Ninh Bình 1 trạm; Cao Bồ - Mai Sơn 1 trạm; La Sơn - Hòa Liên 1 trạm; TPHCM - Long Thành - Dầu Giây 1 trạm; Bến Lức - Trung Lương 1 trạm.

Theo quy định hiện hành, làn dừng xe khẩn cấp trên cao tốc chỉ cho phép các phương tiện đang lưu thông trên đường nhưng bất ngờ gặp sự cố, như tài xế hoặc hành khách gặp vấn đề về sức khoẻ, phương tiện không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hành trình một cách an toàn. Do đó, việc các phương tiện dừng ở làn khẩn cấp để tài xế, hành khách đi vệ sinh được xem là vi phạm. Với lỗi vi phạm này, theo quy định của Nghị định 100/NĐ-CP, tài xế bị xử phạt từ 3- 5 triệu đồng; phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.

MỚI - NÓNG