Thiếu ngủ khiến vắc-xin ít hiệu quả hơn

Thiếu ngủ khiến vắc-xin ít hiệu quả hơn
TPO - Một nghiên cứu mới cho thấy một số vắc-xin không hoạt động tốt ở những người thiếu ngủ.

> Thiếu ngủ, thừa cân

Trong nghiên cứu, người lớn ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm ít có khả năng bảo vệ thích hợp chống viêm gan B sau khi được tiêm phòng hơn so với những người ngủ trên 7 giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ có tác động bất lợi lên các quy trình của hệ miễn dịch quan trọng đối với đáp ứng vắc-xin.

Thiếu ngủ khiến vắc-xin ít hiệu quả hơn ảnh 1

Nhà tâm lý học Aric Prather thuộc Trường đại học California, San Francisco, cho biết “Trong khi nhiều nghiên cứu được thực hiện về lĩnh vực này, cuối cùng thì các bác sĩ và nhân viên y tế sử dụng vắc-xin nên cân nhắc hỏi bệnh nhân về mô hình giấc ngủ của họ, vì thiếu ngủ có thể tác động rõ rệt lên hiệu quả của việc tiêm chủng”.

Thiếu ngủ có thể khiến người ta dễ mắc các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nhưng vẫn chưa rõ liệu giấc ngủ có tác động lên đáp ứng miễn dịch đặc trưng được biết là bảo vệ chống nhiễm trùng hay không.

Nghiên cứu mới gồm 125 người từ 40 đến 60 tuổi, có sức khỏe tốt. Mỗi người được tiêm 3 liều vắc-xin viêm gan B chuẩn: liều 1 và 2 cách nhau 1 tháng, mũi tăng cường được tiêm sau 6 tháng. Nồng độ kháng thể của những người tham gia được đánh giá sau 6 tháng tiêm mũi đầu tiên.

Tất cả những người tham gia đã hoàn thành sổ nhật ký giấc ngủ chi tiết về giờ ngủ và giờ thức dậy, 88 người được đeo máy điện tử kiểm soát giấc ngủ.

Kết quả là 18 người có nồng độ kháng thể quá thấp, có nghĩa là họ không nhận được sự bảo vệ thích hợp từ vắc-xin. Những người ngủ trung bình dưới 6 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng không được bảo vệ từ tiêm chủng hơn gấp 11,5 lần so với người ngủ trung bình trên 7 giờ mỗi đêm.

Theo Prather “Những kết quả này giúp cho việc cảnh báo trong cộng đồng về mối liên quan rõ rệt giữa giấc ngủ và sức khỏe”.

T. Mai
Theo HND

Theo Dịch
MỚI - NÓNG