Thiếu đam mê sẽ không bao giờ thành công
> 10 tài năng trẻ nhận giải 'Quả cầu vàng' năm 2012
> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
Một lần xem người thợ Nhật Bản xây lại chiếc cầu thang cũ, chàng trai trẻ ngạc nhiên thấy người thợ đó cẩn thận, tỉ mẩn miết đi miết lại từng đường vữa.
Nguyễn Việt Linh. Ảnh: T.Hằng. |
Cầu thang xây xong, không có một vết gợn, bề mặt phẳng lì đến từng ngóc ngách. Nguyễn Việt Linh nghiệm ra một điều, làm khoa học cũng vậy, nếu thiếu đam mê sẽ chẳng bao giờ đến được thành công.
Với nhà khoa học, được cung cấp thông tin, kiến thức vào kho tàng tri thức nhân loại. Một phần nào đó đưa nghiên cứu vào ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, làm ra của cải vật chất cho xã hội. Đó là thành công đối với một đời người |
Từ một sinh viên chân ướt chân ráo ra trường, giờ Nguyễn Việt Linh đã là tiến sĩ chuyên ngành tài nguyên sinh sản động vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam). 10 năm nhìn lại, với Linh, sự khởi đầu suôn sẻ đã mở đường cho thành công. Linh kể: “Đầu những năm 2000, tế bào gốc là một đề tài đang rất “hot” trên thế giới. Tại Việt Nam, một số phòng thí nghiệm cũng bắt đầu triển khai các nghiên cứu riêng. Trong đó, Phòng Công nghệ phôi (Viện Công nghệ - Sinh học) nơi tôi làm việc, đã đạt được thành tựu quan trọng, khi tạo ra con bê thụ tinh trong ống nghiệm với giới tính xác định đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2003. Thật may mắn, tôi được trực tiếp thực hiện kỹ thuật tạo PCR xác định giới tính phôi thai giai đoạn sớm để tạo ra bê con”.
Thụ tinh ống nghiệm gián tiếp
Mặc dù chỉ là công đoạn nhỏ, song với chàng trai trẻ đó là dấu ấn quan trọng, để Linh tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về tế bào gốc phôi và bước đầu phân lập được nụ phôi từ phôi chuột và phôi bò thụ tinh ống nghiệm cũng như nhân bản vô tính. Chỉ hai năm sau, cùng với việc hoàn thành luận văn thạc sĩ, Linh đã tạo ra được những dòng tế bào gốc phôi chuột đầu tiên được công bố ở Việt Nam. Đây là những nghiên cứu đầu tiên góp phần đưa Việt Nam từng bước tiếp cận với công nghệ tế bào gốc đang rất phát triển trên thế giới. Năm 2008, Linh đã nghiên cứu phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật kết hợp ly tâm và dung hợp.
Kỹ thuật này, có tiềm năng ứng dụng to lớn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học sinh sản, tạo phôi thụ tinh ống nghiệm, nâng cao hiệu suất nhân bản vô tính động vật, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng suất giống vật nuôi. Cũng trong năm này, Linh đã công bố 2 công trình trên tạp chí quốc tế, trong đó có công trình về nâng cao chất lượng trứng bằng phương pháp ly tâm - dung hợp, là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới theo hướng này. Nhà khoa học trẻ còn đề xuất được một kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm gián tiếp - một phương pháp hoàn toàn mới, chưa từng được công bố trên thế giới cho tới hiện nay. “Nếu cứ chạy theo những trào lưu của thế giới, thì hoàn toàn không ổn, mãi mãi chúng ta chỉ chạy sau. Bên cạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hiện tại, quan điểm của tôi, cũng cần có nghiên cứu riêng cung cấp kiến thức. Có thể 100.000 kiến thức, 100.000 bài báo đưa ra về sau chỉ có 1-2 bài trở thành công trình. Nếu hôm nay, mình không làm thì cũng chẳng có gì trong tay”, Linh chia sẻ.
Sợ “có tội với con cháu”
Linh ấp ủ nhiều dự định và đặt ra một “lộ trình” để thực hiện đam mê. Trước hết, đưa công nghệ cấy phôi thụ tinh ống nghiệm, chọn giới tính, chuyển cấy phôi tất cả công nghệ sinh sản trên các đối tượng gia súc vào trong sản xuất. Tiếp theo, Linh muốn góp công xây dựng ngân hàng đa dạng sinh học và ngân hàng bảo tồn gien, trong đó có nhân bản vô tính. Linh bộc bạch: “Việt Nam là một trong 10 nước có sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Nguồn tài nguyên đó rất nhiều nước thèm muốn mà không có được. Trong khi, việc quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học cho đến nay vẫn chưa thỏa đáng. Hiện Việt Nam chưa có ngân hàng, vật liệu sinh học nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của động vật nuôi và động vật hoang dã. Tôi rất muốn đi theo hướng nghiên cứu đặc tính sinh lý, hóa sinh, sinh học phân tử của các đối tượng như lợn mini, hoặc các con vật đặc hữu sao la, mang lớn…”.
Nhà khoa học trẻ tâm sự: “Mỗi năm, cơ hội qua đi thật là tiếc, bò tót chẳng biết có còn con nào không hay hổ, tê giác, voi... cũng gần hết rồi. Việc thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn không phải là tất cả, có thể con vật đó nhiều khi không sinh sản bị bắn trộm, hoặc chết đi, mình phải có phương án dự phòng. Chẳng hạn, về sau công nghệ sinh học sinh sản có thể nhân bản con sao la, lúc đó mình phải có “nguyên liệu” cung cấp cho con cháu mình. Đến lúc đó hỏi có tế bào sao la, mình không có là có tội với con cháu. Đó là lý do, Linh muốn triển khai nhân bản vô tính tái tạo động vật hoang dã đã có nguy cơ tuyệt chủng hoặc tuyệt chủng rồi. Hướng thứ ba, Linh muốn theo đuổi là nghiên cứu tế bào gốc màng dây rốn có thể biệt hóa thành các dạng tế bào khác trong cơ thể.
Phần thưởng cho những đóng góp của Linh trong nghiên cứu khoa học 10 năm qua là giải thưởng Quả cầu vàng 2012. “Đây là phần thưởng động viên, khích lệ tinh thần cho mình, dù đời sống của nhà khoa học còn khó khăn, nhưng mình đã theo khoa học, mình đã chọn nghiệp, theo nghiệp toàn tâm toàn ý với nghiệp và làm tốt công việc của mình. Với nhà khoa học, được cung cấp thông tin, kiến thức vào kho tàng tri thức nhân loại. Một phần nào đó đưa nghiên cứu vào ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, làm ra của cải vật chất cho xã hội. Đó là thành công đối với một đời người”, Linh chia sẻ.
Theo Thu Hằng
Thanh Niên