Thiếu bảo tàng xứng tầm cho văn hóa Đông Sơn

Bảo vật quốc gia, trống đồng Hoàng Hạ (giữa) tại trưng bày “Văn hóa Đông Sơn”. Ảnh: T.Toan.
Bảo vật quốc gia, trống đồng Hoàng Hạ (giữa) tại trưng bày “Văn hóa Đông Sơn”. Ảnh: T.Toan.
TP - Gần 300 hiện vật tiêu biểu của nền Văn hóa Đông Sơn trưng bày từ 18/11 cùng với hội thảo khoa học, một lần nữa khẳng định vai trò nền văn minh rực rỡ đối với lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của nền văn minh này vẫn là vấn đề của tương lai.

Chưa có bảo tàng xứng tầm

TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN đánh giá, trong 10 năm lại đây, chúng ta làm rõ hơn vấn đề mở rộng của cương vực Đông Sơn, từ trung du, chân núi cư dân Đông Sơn tràn xuống làm chủ và chinh phục đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ngoài trung tâm lớn tại các vùng trung du miền núi, một số trung tâm đáng quan tâm: Cổ Loa, Vinh Quang, Phú Lương, Việt Khuê, Thủy Nguyên, Quyết Tiến (Hải Phòng). Một số di tích quan trọng lần lượt được đề xuất Chính phủ công nhận di tích quốc gia.

“Từ những phân tích về mộ táng, về nơi cư trú ta từng bước biết đến phân hóa xã hội, dần biết đến mô hình nhà nước thời Đông Sơn- mô hình xây dựng, phòng thủ và bảo vệ. Đây là một trong những đóng góp vào việc hình thành, phát triển, định hình lịch sử dân tộc, minh chứng rằng lịch sử dân tộc Việt Nam có những bước xếp tầng từ thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng tới các nhà nước quân chủ, nhà nước độc lập tự chủ”, TS Bùi Văn Liêm nói.

Giới nghiên cứu cảnh báo nhiều di tích Đông Sơn đang bị xâm hại, do các công trình như nhà cửa, canh tác. Di vật Đông Sơn hiện vẫn trôi nổi, vẫn được buôn bán rất nhiều. TS Ngô Thế Phong kể, riêng 10 năm lại đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN nhập kho 23 chiếc trống đồng do hải quan bắt giữ. TS Bùi Văn Liêm cũng dẫn chứng, trống đồng có hàng trăm chiếc, nhưng các trung tâm nghiên cứu và bảo tồn thu lại chẳng được bao nhiêu.

“Phải đưa cái hay, cái đẹp của văn hóa Đông Sơn ra nước ngoài nhiều hơn nữa”, GS. Lưu Trần Tiêu nói. Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN phối hợp giới thiệu văn hóa Đông Sơn tại Hàn Quốc, Singapore, Pháp. Lãnh đạo Bảo tàng cho biết, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh quảng bá văn hóa Đông Sơn tới cộng đồng quốc tế.

“Chúng ta đã có bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Vậy sao sau 90 năm nghiên cứu, vẫn chưa có bảo tàng văn hóa Đông Sơn. Riêng trống đồng Đông Sơn thôi, cũng hoàn toàn có thể mở một bảo tàng riêng, bên cạnh xúc tiến xây dựng bảo tàng văn hóa Đông Sơn để nghiên cứu, phát huy, bảo tồn”, TS Liêm nói. Nhiều nhà khoa học cũng hy vọng, sau 10 năm nữa, chúng ta có thể có bảo tàng trưng bày hàng ngàn hiện vật suốt thế kỷ khai quật, nghiên cứu.

Ra mắt hàng trăm hiện vật quý

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hiện có hơn 10 nghìn hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn phát lộ. Trong trưng bày chuyên đề khai mạc 18/11, Bảo tàng phối hợp một số bảo tàng địa phương giới thiệu 272 hiện vật gốc “tập trung thể hiện sự tinh tế nhất, tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn. Trong số này có một số bảo vật quốc gia như trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh”, ông Đoàn nói.

Những hiện vật này tập trung vào một số loại hình tiêu biểu thuộc giai đoạn Đông Sơn điển hình: Trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí.

Hàng trăm chiếc trống đồng được tìm thấy trong phạm vi văn hóa Đông Sơn. Một số được tìm thấy ở nhiều nơi khác ở Đông Nam Á và Trung Quốc, tuy nhiên những chiếc đẹp nhất thuộc nhóm A như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa chỉ mới phát hiện ở Việt Nam. Đây được xem là sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo của cư dân Đông Sơn.

   

Nghề luyện kim đúc đồng phát triển mạnh trong văn hóa Đông Sơn, với đỉnh cao là kỹ thuật đúc trống đồng. Bên cạnh đó, bộ sưu tập công cụ lao động đặc trưng ra mắt công chúng dịp này: Sưu tập rìu lưỡi xéo, rìu gót vuông, rìu xòe đuôi cá, sưu tập cuốc, thuổng, xẻng, công cụ luyện kim, dệt vải, đánh cá, làm gốm.

Ngoài những hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, trưng bày này đem đến góc nhìn mới qua sưu tập hiện vật thể hiện sự giao lưu văn hóa: Khuyên tai ba mấu, mộ chum mang đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh (di tích Bãi Cọi), trống Lào Cai, dao găm chuôi tượng thể hiện giao lưu Điền, bát đáy tròn bằng bạc là hiện thân của giao lưu văn hóa Trung Á.


MỚI - NÓNG