Xem, nghe trống đồng Đông Sơn bên sông Hoài

Xem, nghe trống đồng Đông Sơn bên sông Hoài
TP - “Nghe chúng tôi nói sẽ diễn tấu trống đồng Đông Sơn, kể cả lãnh đạo Hội An, người mời chúng tôi đến cũng không tin. Bởi sau bao nhiêu hội thảo, các nhà nghiên cứu vẫn chưa ngã ngũ trống đồng đánh được không, và đánh thế nào".


NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng đoàn Tuồng Thanh Hóa bộc bạch sau buổi trình tấu trống đồng độc đáo tại Hội An hôm qua.

Lửa thiêng đúc trống

“Kính cáo giang sơn xã tắc, hội tụ về đây minh chứng tấm lòng thành, hội tụ về đây cho trọn vẹn khí thiêng, để tiếng trống đồng âm vang hồn dân tộc.

Xin bay về đây những khuôn hình chim Lạc, để đón ánh mặt trời sau những vòng quay, hội tụ về đây những gió, những mây, để thiên nhiên hòa vào hồn linh trống, những bông lúa trên cánh đồng trải rộng, những cá, những tôm, những hoa trái cuộc đời, hội tụ về đây cùng chứng kiến phút giây, khi lửa bén đồng, hồng lên sắc máu.

Chỉ ít phút nữa thôi, đồng sẽ được nung chảy, trong suốt mà thanh tao, rực hồng mà linh ứng, sẽ được rót đầy vào khuôn để tạo nên trống đồng gìn giữ cho muôn đời sau”.

Theo NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền: Ngày 23/8 tại Thanh Hóa sẽ có một hội thảo về cách đánh trống đồng do GS Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc chủ trì, nhằm tìm một quy chuẩn đánh cho dàn 100 chiếc trống đồng Đông Sơn tại đại lễ nghìn năm Thăng Long. 

Dứt lời kính cáo các linh hồn thần trống đồng của nghệ nhân trong hương khói trang nghiêm, Chủ tịch Hội An Lê Văn Giảng trao cho Chủ tịch TP Thanh Hóa Nguyễn Xuân Phi ngọn lửa thắp từ Nghĩa trang Liệt sĩ Hội An. Lò nấu đồng, ngọn lửa thiêng phật cháy.

Bên sông Hoài, tiếng trống trận trầm hùng cùng những ngọn côn, quyền quật khởi mang ra từ đất võ Tây Sơn bắt đầu giục giã ngọn lửa. Không xa, 21 chiếc trống đồng Đông Sơn được tạo tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân Đông Sơn, đứng trầm mặc trên thảm cỏ.

Trong lễ khai mạc những ngày giao lưu văn hoá Việt - Nhật bên Chùa Cầu, những trống thiêng ấy sẽ cất lời.

Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch liên chi hội di sản văn hoá Lam Kinh vừa thay bộ đồ lễ, chậm rãi đốt thuốc ngắm nhìn ngọn lửa. Tám thợ dưới sự chỉ huy trực tiếp của nghệ nhân Thiều Quang Tùng đang quần quật dưới nắng, sức nóng lò nung và khói bụi.

Nghệ nhân 44 tuổi này từng đúc trống đồng và kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm ngoái.  

Ông Sơn kể, đây là lần thứ hai nghệ nhân Đông Sơn mang nghệ thuật đúc trống đồng ra ngoài xứ Thanh. Lần đầu vào 19/5/2009 tại làng Sen quê Bác, trống đồng dâng lên Nhà Lưu niệm mô phỏng theo trống đồng Ngọc Lũ cổ, mặt trống khắc họa hình ảnh Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập bên cạnh bóng dáng mái nhà tranh quê nội của Người. Trống cao 69 cm, đường kính mặt trống 79 cm tượng trưng cho 79 mùa xuân vị cha già dân tộc.

Còn trống đúc tặng Hội An lần này đường kính 61 cm, cao 48 cm, nặng 48kg, những con số tượng trưng cho nghĩa tình sâu nặng của hai thành phố kết nghĩa Thanh Hóa và Hội An từ tròn 48 năm trước, năm 1961.

Để đúc trống và ra khuôn chỉ trong vòng có hai tiếng, các nghệ nhân phải mất 60 ngày chuẩn bị, từ nhào đất, lập khuôn. 

“Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”

Tiếng trống đồng nhà Trần đã khiến sứ giả Nguyên Mông Trần Phu bạc hết cả tóc. Đường thượng chi nhạc của triều hậu Lê có trống đồng, thường được cử với bài “Cửu nhật nguyệt giao trùng nhạc”.

Rồi cũng theo các nhà nghiên cứu, nhã nhạc từ thế kỷ XV đến tận XVII cũng còn trống đồng. Nay thảng hoặc trong tang lễ của đồng bào Lô Lô, Khơ Mú, Mường còn dùng trống đồng với kiểu gõ bằng những búi sắt chứ không phải đánh bằng dùi.

Đằng đẵng thời gian, trống đồng vẫn chỉ uy nghiêm nơi bảo tàng, còn âm thiêng của nó qua diễn tấu mấy ai được nghe. Vậy nên dàn 21 trống đồng Đông Sơn cùng hòa tấu điệu trống hội hùng tráng bên Chùa Cầu tối 14/8 khiến đông đảo người Nhật và du khách bất ngờ.

Tiết lộ của NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, đạo diễn tiết mục, nếu trống da có ba thanh âm tùng, cắc, tang, thì trống đồng chỉ có hai, thanh âm chủ phát ra từ tâm mặt trống, và thanh âm còn lại từ rìa trống.

Và mới chỉ biểu diễn cách đánh bằng dùi đầu bọc vải, sẽ biểu diễn tiếp cách đánh bằng chày gỗ (dài khoảng 1,8 m) như kiểu người Việt cổ vẫn thấy trên mặt trống. “Thực ra bản thân tư thế đặt trống thế nào khi đánh chúng tôi cũng còn đang nghiên cứu”, ông Quyền nói.

Còn vì sao trống đồng đánh được, nghệ nhân Thiều Quang Tùng tiết lộ: “Ba yếu tố, là pha chế chất liệu, kết cấu kiểu dáng, và kỹ thuật của thợ, để chỗ dày chỗ mỏng tạo thanh âm. Chúng tôi đang nghiên cứu tiến tới trống đồng có đủ bộ thanh âm như các nhạc cụ khác”.    

MỚI - NÓNG