Thiết kế nhà ga sân bay Long Thành đậm nét văn hóa Việt

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thăm quan mẫu thiết kế sân bay lấy ý tưởng bông hoa sen cách điệu
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thăm quan mẫu thiết kế sân bay lấy ý tưởng bông hoa sen cách điệu
TP - Tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội) đang trưng bày 9 phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành để lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Nhiều mẫu thiết kế sân bay lấy ý tưởng bông hoa sen cách điệu được nhiều chuyên gia, người dân đánh giá cao bởi mang biểu tượng văn hóa.

Triển lãm do Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức, kéo dài đến 12/12. Trong số 9 phương án kiến trúc này, đáng chú ý có phương án thiết kế hình hoa sen của Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc) khi sử dụng ý tưởng là những cánh hoa sen, điểm thêm những vị trí ô lấy sáng trên phần mái. Toàn bộ thiết kế hoa văn trang trí của sân bay được sử dụng thống nhất với hình tượng hoa sen truyền thống Việt Nam. Đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T1; T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); sân vận động Olympic (Baku); tòa tháp Kangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.

 Đại diện Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc) cho biết: “Hoa sen đã trở thành hình ảnh Việt Nam trên bầu trời cao. Hãng hàng không Việt Nam đã chọn biểu tượng bông sen để kết nối Việt Nam với các nước bạn. Hoa sen như chính con người Việt Nam, thể hiện sự tinh tế về văn hoá, tinh thần, đạo đức của dân tộc:“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bằng thiết kế của mình, chúng tôi đặt mục tiêu gắn những vẻ đẹp này cho nhà ga hành khách trung chuyển hàng đầu Đông Nam Á trong tương lai”.

Theo thuyết trình của Heerim, mục tiêu thứ nhất là công trình điểm nhấn mang tính văn hóa. Heerim muốn tạo ra một công trình nhà ga hành khách chứa đựng nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Mục tiêu thứ hai là giao thông thuận tiện khi tiếp cận công trình. Mục tiêu thứ 3 là cải thiện bố trí giao thông và các khu làm thủ tục sao cho thuận tiện và nhanh chóng cho hành khách hơn so với phương án gốc. Mục tiêu thứ tư là sự đơn giản trong cách bố trí không gian. Mục tiêu thiết kế thứ năm là bố trí thiết kế nhà ga ưu việt nhất. Mục tiêu cuối cùng là đưa ra thiết kế sao cho có được khả năng sinh lợi cao nhất.

Thiết kế nhà ga sân bay Long Thành đậm nét văn hóa Việt ảnh 1

Phương án LT - 03 lấy ý tưởng từ bông hoa sen cách điệu.

Tham dự triển lãm, nhà kiến trúc sư Hoàng Long (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao thiết kế nhà ga hình hoa sen. Theo đó, hình ảnh hoa sen được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Phương án này phù hợp quy hoạch, có tính linh hoạt, đảm bảo sự vận hành, kết nối đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai và đảm bảo quy trình hàng không”.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Sân bay Long Thành là cửa ngõ quốc gia, hướng đến thành điểm trung chuyển hàng không của Châu Á nên kiến trúc nhà ga cần đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: Công năng sử dụng và thẩm mỹ, thể hiện được ý nghĩa, tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch. Yếu tố bản sắc văn hoá cũng là đầu bài quan trọng được Bộ GTVT đặt ra cho các nhà thiết kế nên các nhà thiết kế đã đưa các yếu tố như hoa sen, ruộng bậc thang, nón lá… vào thiết kế. Ông Đông cho rằng, một số nhà ga hàng không hiện nay chưa thể hiện rõ nét văn hoá truyền thống do được xây dựng từ trước, vừa qua cải tạo nâng cấp nên chưa thể đưa nét văn hoá truyền thống vào tổng thể công trình. Với sân bay Long Thành xây mới hoàn toàn nên yếu tố văn hoá bản địa được đặt ra từ đầu.

Tổng Giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng (Chủ đầu tư dự án Sân bay Long Thành) cũng cho rằng, ngoài yếu tố công năng, yếu tố văn hoá đối với một cửa ngõ quốc gia như Sân bay Long Thành được đặc biệt chú ý. “Các nhà ga hàng không được xây mới gần đây đều có chú ý đến văn hoá bản địa như nhà ga sân bay Tuy Hoà mang hình vỏ sò hình nón của biển Đông, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ xuất phát từ ý tưởng chiếc xuồng ba lá của vùng đồng bằng sông Cửu Long… Với sân bay Long Thành là cửa ngõ quốc gia nên càng cần thể hiện bản sắc văn hoá của quốc gia” - ông Hùng nói.

Nhà thiết kế Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc) là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); sân vận động Olympic (Baku); tòa tháp Kangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG