Thiết bị Việt Nam, cách đánh của Việt Nam

Thiết bị Việt Nam, cách đánh của Việt Nam
Các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam như Viettel tự sản xuất có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước.

Làm chủ được công nghệ sẽ làm chủ được phương pháp tác chiến

Nhận định về vấn đề này, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại do các đơn vị như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty đóng tàu Hồng Hà... tự thiết kế, chế tạo tuy có số lượng chưa nhiều nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả của hoạt động này không dễ tính bằng tiền.

"Những vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại do chúng ta nghiên cứu, chế tạo sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần hiện đại hóa quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh" - Trung tướng Nguyễn Đình Chiến nhìn nhận.

Đại tá Lê Bá Tấn, Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc cũng cùng chung quan điểm này và cho rằng một số người thường so sánh giá giữa sản phẩm vũ khí, trang bị quân sự do trong nước sản xuất và sản phẩm nhập ngoại, tuy nhiên đây không phải là vấn đề then chốt đối với vũ khí, trang bị quân sự.

"Với vũ khí, thiết bị quân sự, cần quan tâm đến hai tiêu chí: Thứ nhất là có phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam không? Thứ hai là nhà sản xuất có thể chủ động đáp ứng, linh hoạt thay đổi tính năng vũ khí, thiết bị theo yêu cầu của đơn vị sử dụng được không?" - Đại tá Lê Bá Tấn nói.

Ví dụ, đối với máy thông tin quân sự, Đại tá Lê Bá Tấn nhìn nhận phải đáp ứng được yêu cầu tác chiến ở một địa hình phức tạp của Việt Nam, đồi núi nhiều, biển gần núi...

Máy phải gọn, nhẹ để phù hợp với cách đánh mang vác, cơ động của bộ đội. Rồi máy phải có ắc-quy sạc điện bằng cách quay tay để phù hợp với điều kiện trong rừng sâu, không có nơi sạc điện, không có đủ xăng dầu... Đại tá Lê Bá Tấn kể rằng có một loại máy thông tin quân sự của Đức rất tốt, nhưng rất phiền phức bởi muốn hoạt động được thì phải kèm theo máy nổ, vì thế không phù hợp với bộ đội ta.

"Muốn mua được máy thông tin quân sự của nước ngoài cũng không hề dễ. Máy của họ rất đắt. Không những thế, với loại máy đặt hàng riêng, để tăng hiệu quả sản xuất, họ chỉ muốn bán với số lượng lớn. Nhưng để tiết kiệm chi phí, chúng ta chỉ mua với số lượng nhỏ, vì thế rất khó mua" - Đại tá Lê Bá Tấn chia sẻ.

Đồng chí nhìn nhận: "Việc các cơ sở của chúng ta sản xuất được máy thông tin quân sự là rất đáng mừng vì như thế chúng tôi có thể đặt hàng theo đúng nhu cầu của các đơn vị. Hơn nữa, khi được bổ sung các nhiệm vụ để đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, các đơn vị không bị lúng túng nữa mà có thể liên hệ với nhà sản xuất để thay đổi các thông số cho phù hợp. Điều này rất khó thực hiện, hoặc là rất tốn kém nếu như sử dụng các sản phẩm của nước ngoài".

Cuộc chiến công nghệ - Mấu chốt thành - bại

Hiện nay, Binh chủng Thông tin liên lạc đã đưa vào sử dụng, cấp phát cho các đơn vị trong toàn quân 6 loại máy thông tin quân sự do Viettel sản xuất. Còn 4 loại máy nữa cũng đang được tiếp tục thử nghiệm. Sau một thời gian, các loại máy hoạt động ổn định, có tính năng tương đương sản phẩm nhập ngoại, lại phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Giá thành máy rẻ hơn khoảng 30% so với sản phẩm nhập ngoại. Các máy này còn được kèm theo bộ linh kiện, rồi được bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật, vì thế các đơn vị khá yên tâm trong việc sử dụng. Viettel còn cử các tốp kỹ sư xuống các đơn vị đang thử nghiệm, sử dụng sản phẩm, ở lại đơn vị cả tháng trời, để kịp thời nhận những lời góp ý của bộ đội, điều chỉnh sao cho sản phẩm trở nên hoàn hảo hơn.

Mới đây, trong một đợt diễn tập lớn về tác chiến thông tin, máy do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sản xuất đã vượt qua được một "trận đánh" rất khốc liệt. "Đối phương" liên tục gây nhiễu, phá hoại hệ thống thông tin của ta. Các loại máy thông tin đời cũ đều bị đối phương phá liên lạc, vô hiệu hóa.

Riêng chiếc máy nói trên vẫn hoạt động tốt, liên lạc rõ. "Tất nhiên, chống tác chiến điện tử là một quá trình liên tục. Đối phương sẽ luôn thay đổi phương pháp tác động. Các đơn vị của ta cũng phải thường xuyên thay đổi chiến thuật. Vì thế, sự tự chủ về công nghệ, tự sản xuất được máy thông tin quân sự sẽ giúp quân đội ta liên tục đổi mới về phương pháp thông tin, bảo mật thông tin" - Đại tá Lê Bá Tấn nói.

Theo qdnd.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG