Thiên tai ngày càng dị thường

Diễn tập cứu nạn trên biển Cửa Đại Ảnh: Nguyễn Thành
Diễn tập cứu nạn trên biển Cửa Đại Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Trong những năm tới, thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, rét đậm xảy ra ở VN sẽ ngày càng dị thường, đặc biệt, nguy cơ các trận bão mạnh có diễn biến trái quy luật, khó dự đoán sẽ gia tăng.

> Cứu 41 người trên bè bị trôi dạt

Tại hội thảo quốc tế “Biến đối khí hậu và các sự kiện khí hậu cực đoan tại VN” diễn ra hôm qua tại Hà Nội, PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết: Nghiên cứu trong 50 năm qua về bão và áp thấp nhiệt đới ở VN cho thấy, khu vực đổ bộ của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam. Số lượng các cơn bão rất mạnh có xu hướng gia tăng, ngày càng có nhiều các cơn bão có diễn biến trái quy luật.

Mới đây nhất là cơn bão số 4 (tên quốc tế Vicente). Bão số 4 có hướng di chuyển thay đổi nhiều lần và cường độ bão thay đổi đột ngột, khiến không một trung tâm dự báo khí tượng thủy văn nào trên thế giới có thể dự báo chính xác diễn biến cường độ bão. Các trung tâm chỉ dự báo bão mạnh nhất là cấp 12 nhưng thực tế bão mạnh cấp 15.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong số 13 cơn bão xuất hiện trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương năm nay (năm cơn bão ở Biển Đông), nhiều cơn bão có hướng di chuyển khó lường, phức tạp, trái quy luật.

Kịch bản về biến đổi khí hậu ở VN cũng cho thấy, trong tương lai, tần suất bão có thể không tăng nhưng có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cơn bão mạnh, bất thường.

Từ giờ đến cuối năm nay, dự báo sẽ có 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến VN, không loại trừ các cơn bão sẽ có những diễn biến bất thường, khó dự đoán.

Lũ quét tăng 15 lần

Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng khó lường, thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho thấy, ở Bắc Bộ, hai thập kỷ qua, số đợt không khí lạnh ở VN giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, “sự dị thường của các đợt không khí lạnh ngày càng phổ biến, điển hình như đợi rét đậm xuất hiện vào tháng 1,2 năm 2008 kéo dài tới 38 ngày, nhiệt độ xuống thấp”, theo ông Thục.

Lượng mưa phùn cũng giảm rõ rệt những năm qua. Hạn hán có xu hướng gia tăng về tần suất. Trong khi đó ở Nam bộ, Nam Trung bộ có xu hướng tăng lên cả về nhiệt độ và lượng mưa. Nhiều khu vực tăng lên đến 20% trong nửa thế kỷ qua.

Theo ông Thục, những năm qua, mưa trái mùa và mưa lớn bất thường xuất hiện nhiều hơn khiến cho tình hình lũ lụt trên các dòng sông rất phức tạp. Ở hệ thống sông Hồng, xu thế dòng chảy giảm song tần suất các đợt lũ lớn lại gia tăng. Ở hệ thống sông Cửu Long lũ lớn liên tiếp xuất hiện.

“Đây là dấu hiệu cho thấy các hiện tượng thủy văn ngày càng bất thường”. Số trận lũ quét gây thiệt hại lớn ở thập niên 1991-2000 tăng gấp 15 lần so với thập niên 1970-1980.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ở VN, trong tương lai, diễn biến của các thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn phức tạp hơn.

TS Rajendra K Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cho biết: “VN là một trong những điểm nóng nhất chịu tác động của biến đối khí hậu. Chính biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai do khí hậu ở VN ngày càng khó đoán định. Người nghèo, người dân các vùng đô thị sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đợt thiên tai này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG