Thiên tai lộ nhân tai từ những 'quả bom nước'

Thiên tai lộ nhân tai từ những 'quả bom nước'
TP - Dù cơ quan quản lý và chuyên gia đều nhận định nguyên nhân vỡ đập là do yếu tố con người nhưng đến nay vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm, chỉ có người dân phải lâm cảnh khốn cùng, thậm chí mất mạng.

> Thiếu tiền và thiếu trách nhiệm
> Sống trong sợ hãi

Lỗi do thi công, quản lý

Ông Trần Tố Nghị, Phó Cục trưởng Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, sự cố đối với hồ chứa thường có chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước. Theo ông Nghị, nguyên nhân chủ yếu do chủ quan như thiếu năng lực, trách nhiệm, tùy tiện trong quản lý xây dựng đập và vận hành hồ chứa; quy hoạch vội vàng, thiếu chất lượng.

Như công trình hồ Nước Trong (Quảng Ngãi), do thiết kế liên kết giữa khối bê tông tường chống thấm thượng lưu chưa phù hợp nên xảy ra hiện tượng tách khối bê tông chống thấm ra khỏi khối bê tông thân đập, gây nứt bê tông phía thượng lưu. “Có tình trạng ai cũng có thể thiết kế, thi công và vận hành đập thủy lợi. Xây dựng và vận hành hồ đập có nhiều khâu, không phải cứ kỹ sư thủy lợi là làm được tất cả”, ông Nghị nói.

Đồng tình quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Chiến, nguyên Viện trưởng Kỹ thuật công trình (Đại học Thủy lợi), dẫn chứng sự cố vỡ đập Z20 (Hà Tĩnh) hồi tháng 6/2009, do đất đắp hai bên cống không được đầm kỹ. Hay như vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) hồi tháng 6/2013, trong thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi nhiều hạng mục về kích thước cống dẫn dòng, bỏ màng chống thấm, chất lượng thi công thân cống không đảm bảo...

 “Gọi là quản lý nhưng chỉ có việc mở rồi đóng cống để lấy nước. Tôi chưa thấy đập nào vỡ do lũ lớn, tất cả đều do con người gây ra”.  

GS.TS Nguyễn Chiến

Ngoài ra, theo ông Chiến, công tác quản lý cũng còn nhiều vấn đề. Đập nhỏ thường do nông trường, xã, hợp tác xã hay tư nhân quản lý nên thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Nhiều đập đơn vị quản lý tự ý xây cao ngưỡng tràn, không đảm bảo khả năng xả lũ. Khi lũ lớn nước tràn bờ gây vỡ đập (điển hình như đập Đoàn Kết, Thanh Hóa). “Gọi là quản lý nhưng chỉ có việc mở rồi đóng cống để lấy nước. Tôi chưa thấy đập nào vỡ do lũ lớn, tất cả đều do con người gây ra”, GS Chiến nói.

GS Chiến lấy dẫn chứng khi đi khảo sát tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…, hầu hết cán bộ vận hành hồ đập đều không có chuyên môn, chỉ biết tháo rồi đóng cống để lấy nước. “Thậm chí họ còn thiếu trách nhiệm, sự cố nhỏ không khắc phục, để xảy ra các tai nạn lớn. Nói chung hầu hết chỉ khai thác, không có duy tu, bảo dưỡng gì”, GS. Chiến khẳng định.

Bỏ quên hồ đập nhỏ

Theo ông Trần Tố Nghị, hiện tất cả hồ đập lớn (dung tích trên 3 triệu m3) đều có quy trình tích nước và thoát lũ. Trong khi đó, các đập nhỏ do ít được quan tâm và không đủ kinh phí làm quy trình tích nước và thoát lũ nên hay xảy ra sự cố.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã lập đề án chương trình an toàn hồ đập trình Chính phủ, để cấp ngân sách hằng năm cho việc nâng cấp hồ đập. “Để nâng cấp toàn bộ hồ đập đã xuống cấp (317 hồ đập) cần khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn theo phân cấp, việc duy tu, bảo dưỡng do địa phương thực hiện từ nguồn thủy lợi phí cấp bù”, ông Nghị cho biết.

Về việc dùng nguồn thủy lợi phí cấp bù có đúng mục đích không, chất lượng duy tu, bảo dưỡng ra sao, ông Nghị cho biết, đã phân cấp cho địa phương, Bộ không tham gia. Trước mùa mưa bão hằng năm, Bộ NN&PTNT tổ chức các đoàn kiểm tra cùng địa phương rà soát đập không an toàn, yêu cầu không tích nước để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, hồ đập nào đơn vị quản lý báo cáo có nguy cơ xảy ra sự cố, Bộ sẽ có đoàn về kiểm tra. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Chiến, dù đã phân cấp quản lý, nhưng nhiều địa phương thiếu kiểm tra thực tế, chỉ xem trên báo cáo. “Báo cáo cái nào cũng hay, đều ngon lành, chỉ khi xảy ra mới vỡ lẽ. Thậm chí có địa phương dùng vốn duy tu, bảo dưỡng hồ đập vào việc khác”, GS Chiến nói.

Về trách nhiệm khi xảy ra sự cố vỡ đập, thiệt hại tính mạng và tài sản nhân dân, ông Trần Tố Nghị cho rằng: Đây là vấn đề thiên tai. Về quản lý nhà nước, bộ đã có giải pháp để đảm bảo an toàn các hồ chứa, nhưng do biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan không lường được trước. Nếu thiệt hại do bão lũ, nhà nước vẫn có kinh phí hỗ trợ người dân.

GS Nguyễn Chiến cho rằng, trách nhiệm cơ quan quản lý đang có vấn đề vì chỉ khi xảy ra sự cố với hồ đập nhỏ mới xuất hiện. Khi xảy ra sự cố, trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư, tất cả quy trình đảm bảo an toàn hồ đập đều có, nhưng nhiều đơn vị chỉ làm chiếu lệ cho đúng quy định. Thậm chí, có báo cáo tác động môi trường cho công trình ở miền Trung lại ghi địa chỉ ở Lạng Sơn, Cao Bằng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG