Thiên đường giữa biển

Ngư phủ Nguyễn Văn Hùng (làng chài Ghành Hang) sắp xếp những thuyền thúng chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ảnh: Đại Dương.
Ngư phủ Nguyễn Văn Hùng (làng chài Ghành Hang) sắp xếp những thuyền thúng chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ảnh: Đại Dương.
TP - Dù bị say sóng dữ dội, nhưng tôi vẫn không thể cưỡng lại được nỗi khát khao khám phá đảo Phú Qúy, nơi được mệnh danh là thiên đường hoang sơ giữa biển Đông. Và tôi đã chiến thắng nỗi sợ hãi bằng việc vác ba lô cùng mấy đồng nghiệp bước xuống tàu vào một ngày chan chát nắng.

Cách trở

Trên tàu chật cứng người và hàng hóa. Từ trên boong xuống dưới hầm, kể cả hành lang đi lại cũng đều chen chúc hành khách nằm, ngồi ngổn ngang. Nhiều người còn giăng võng nằm đung đưa ở lưng chừng. Phần lớn hành khách là người địa phương hay dân làm ăn ở các nơi đến; số ít còn lại là khách du lịch, trong đó có cả những khách nước ngoài.

Đúng 12 giờ trưa tàu nổ neo, rời bến. “Hôm nay là may đó”- anh bạn ngồi cạnh, nói vu vơ bằng chất giọng nặng chất địa phương. Tôi hỏi tới: “May cái gì, vì sao may?”. Anh giải thích, do phụ thuộc thời tiết, thủy triều nên giờ khởi hành của các chuyến tàu từ thành phố Phan Thiết đi đảo Phú Quý và ngược lại rất thất thường.

Phần lớn là bị chậm giờ so với dự kiến, có khi một vài tiếng, có khi cả buổi, cả ngày nên chuyện mua vé đi hôm nay nhưng hôm sau hoặc hôm sau nữa mới đi được là chuyện bình thường. Nếu gặp biển động, có khi cả tuần không có chuyến tàu nào ra vào. Anh bạn mới quen này tên Thanh, là người gốc đảo Phú Quý. Thanh lấy vợ trong đất liền và sinh sống ở Hàm Thuận Nam (một huyện của tỉnh Bình Thuận) từ nhiều năm nay, nhưng anh vẫn thường xuyên về lại đảo thăm nom và lo việc hiếu của gia đình, họ hàng.

Đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) 56 hải lý, tương đương gần 120 km. Hùng cho biết, việc đi lại của người dân giữa đất liền và đảo chỉ duy nhất là tàu thủy. Trước đây, chỉ có tàu bằng tàu gỗ, công suất nhỏ nên mất cả ngày đêm mới đến được. Những năm sau này, nhờ có tàu lớn, thời gian đi lại được rút ngắn, chỉ còn 7- 8 giờ, nhưng gặp thời tiết xấu cũng mất 11 đến 12 giờ mới đến nơi.

Dù thời tiết tốt, nhưng hành trình của chúng tôi hôm ấy phải kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến bởi tàu hai lần chết máy, phải thả trôi giữa biển trong sự hoang mang của hành khách. Sau những cố gắng của các thợ máy, cuối cùng tàu cũng cập bến và mọi người đặt chân đến đảo vào đêm muộn.

Thiên đường giữa biển ảnh 1

Phóng viên Tiền Phong (giữa) gói bánh cùng người dân thôn Qúy Hải, xã Long Hải, Phú Quý.

Vẻ đẹp hoang sơ

Bình minh trên đảo thật nhẹ nhõm, chỉ nháy mắt ban mai tinh khôi đã phủ tràn khắp nơi.   

Đảo Phú Quý có diện tích 16 km2, nơi dài nhất 6,5 km và rộng nhất 3 km. Trên đảo chỉ có một số con đường chính, trong đó một đường chạy vòng quanh đảo, số còn lại chạy băng ngang qua đảo. Nhờ có chiếc xe máy của người bạn cho mượn, tôi rong ruổi khắp các ngõ ngách. Dân trên đảo thưa thớt và nhà cửa hầu hết tập trung ở một số khu vực nhất định. Các ngả đường rất ít người qua lại. Dọc bờ biển có nhiều bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, nhìn tận đáy như bãi Nhỏ, vịnh Triều Dương,... Lại có những bãi xanh ngắt cỏ, lô xô những bụi dứa dại và những hàng thùy dương rì rào.

Sau khi đi vòng bờ biển, tôi phi xe lên núi Cao Cát, ngọn núi như được xếp bằng những phiến đá cổ khổng lồ chồng lên nhau. Bên sười núi có ngôi chùa Linh Sơn nổi tiếng. Vượt qua những đoạn đường quanh co để đặt chân lên đỉnh núi, toàn cảnh đảo Phú Quý hiện ra trong tầm mắt. Gió mát rười rượi, trùng khơi sóng trắng dào dạt tạo nên cảm giác thật khác lạ. Người dân Phú Quý có câu: "Tứ phương vô sự lầu”, với hàm ý khi lên đến đỉnh núi Cao Cát, nhìn xung quanh yên bình đến quên hết sự đời.

Thiên đường giữa biển ảnh 2

Sản vật quý giá ở biển Phú Quý.

“Chiếc nôi” của đặc sản biển

Giữa chiều, nắng vàng rực. Làng chài Ghành Hang với những mái nhà lô xô, những ghe thuyền kèn dày ngoài biển cũng rực lên những sắc màu chủ đạo: xanh của biển, vàng óng ả của nắng và đỏ chon chót của những mũi tàu thuyền. Ngư phủ đầu tiên tôi được gặp khi đến làng chài này là người có nước da đen ánh: Nguyễn Văn Hùng, 44 tuổi. Anh Hùng cho biết vừa kết thúc một chuyến săn mực ngoài khơi trở về. “Ngày nào tui và mấy anh em cũng đi câu mực. Ít nhất cũng được 50 kg mỗi ngày”- ngư phủ nói. Anh cũng hé lộ giá tối thiểu mỗi kg mực tươi là 150 nghìn đồng. Nhà Hùng ở xóm 4, xã Tam Thanh nhưng anh chọn Gành Hang làm nơi neo đậu tàu và bán sản vật đánh bắt được cho thương lái. 

Đảo Phú Quý từng được trang Du lịch của CNN (Travel.cnn.com) bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất biển Đông của Việt Nam. Vẻ hoang sơ là sức hút của hòn đảo này. 

Cạnh nơi Hùng neo đậu tàu có một cơ sở chuyên thu gom mực tươi để đưa vào đất liền. “Mực ở đây được dánh giá là ngon nhất nên rất hút khách và có bao nhiêu cũng hết”- anh chủ cơ sở thu gom nói.       

Với ngư trường rộng lớn, Phú Quý là nơi cung cấp nguồn hải sản lớn cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy hải sản trong đất liền. Thương lái ở các nơi đổ về đây đóng hàng đem đi.

Vừa đến bến Lạch Dù, tôi gặp ngay một chiếc xuồng chuẩn bị đưa thương lái ra bè lồng ngoài biển. Được sự cho phép của người lái xuồng và cũng là người quản lý nhà bè, tôi tót vội xuống xuồng. Khi xuồng vừa lách qua khỏi dãy tàu thuyền neo đậu thành hàng dài gần bờ, làng nhà bè hiện ra rộng mênh mông, với chiều dài hàng ki-lô-mét. Anh Võ Sinh, người lái xuồng cho biết gia đình anh là một trong những vựa hải sản tươi sống thuộc hàng lớn nhất khu vực này. Có rất nhiều loại hải sản quý được thu gom, nuôi trong các lồng bè, từ các loại tôm, cua, ốc, sò đến các loại cá quý.

Người thương lái vừa được anh Võ Sinh đưa ra nhà bè xem hàng là Nguyễn Công Hoàng, một thanh niên nhỏ con, đến từ Nha Trang. Hoàng cho biết, anh mua tất cả các loại hải sản quý hiếm chuyển về Nha Trang, rồi từ đó phân phối đi khắp nơi, đến tận các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi. Vì “nghiện” hàng Phú Quý nên Hoàng đã cử một nhân viên đến ăn dầm nằm dề ở Phú Quý chỉ để làm nhiệm vụ thu mua. Phần mình, thi thoảng Hoàng mới đi kiểm tra, khảo sát nguồn hàng.      

Những sắc màu riêng

Phú Quý làm say đắm lòng người còn bởi những sắc màu tươi mới, khác lạ của phong tục tập quán, nếp sinh hoạt và đức tính chân chất của người dân. Đến thôn Quý Hải, xã Long Hải, tôi và anh bạn đồng nghiệp người địa phương chọn ngẫu nhiên một căn nhà có sân thượng bước vào đánh tiếng xin leo lên dứng chụp ảnh. Giữa trưa nắng, cổng và cửa nhà mở toang nhưng gọi mãi không thấy người. Anh bạn giải thích, nhà dân nơi đây thường có nhiều cửa và cửa rất rộng để lấy sáng và đón gió trời. Nhưng người dân ít có thói quen đóng cửa, đêm cũng như ngày, ngoại trừ gió bão, vì không ai lo mất trộm. Xe cộ dựng thoải mái trước sân, ngoài dường cũng không lo bị mất. Tôi chợt nhớ lúc đến bến Lạch Dù, khi chuẩn bị nhảy xuống xuồng để ra nhà bè nhưng vẫn chưa biết gửi xe máy ở đâu, thấy tôi lúng túng, những người xung quanh gần như đồng thanh hô: “Vứt đại đó đi, để cả năm ở đây cũng không ai lấy”. 

Một lúc sau, chị chủ nhà bước ra, nhiệt tình mời khách vào và đáp ứng theo yêu cầu mà không cần hỏi khách ở đâu đến. Trong nhà, các bà, các chị đang hì hục gói bánh, nói cười râm ran. Thấy tôi tò mò về lý do gói bánh, chị chủ nhà bảo: “Ở đây có phong tục gói bánh ú khi làm giỗ quảy hay dịp Tết nhứt”. Lên sân thượng chụp ảnh xong, tôi xin “nhập hội” gói bánh và một lần nữa tôi được đón tiếp, chỉ bảo tận tình. Vừa gói bánh, các bà, các mẹ vừa rỉ rả kể cho tôi nghe nhiều phong tục, thói quen sinh hoạt của người dân trên đảo.

Ấn tượng mạnh nhất trong tôi là về phong tục hôn nhân khác lạ: Nam nữ kết hôn không cần tổ chức cưới hỏi rình rang. Nếu yêu thương cô gái nào đó, chàng trai chỉ cần nói với cha mẹ hoặc người thân để “đánh tiếng” sang nhà gái và tục này được gọi là “nói chừng”. Nếu được chấp thuận, ngay sau đó chàng trai có thể đến nhà gái ngủ qua đêm mà không cần bất cứ nghi thức nào. Ban ngày chàng trai đi biển cho gia đình mình, tối về đến nhà gái ngủ chung với người vợ tương lai. Cho đến khi sinh con, cô gái chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà trai và được nhà trai chính thức đón về.

Tôi ngỏ ý lo ngại bởi nhỡ không may cô gái gặp phải gã họ Sở, người đồng nghiệp giải thích: người dân ở đây thật thà chân chất, không khách khí. Thanh niên nam - nữ đến với nhau bằng tất cả lòng chân thành, trong sáng. Nhà gái cũng mở rộng cửa đón chàng trai bằng tất cả niềm tin của mình. Các mối quan hệ được xây dựng, điều chỉnh bởi đạo đức xã hội nên tuyệt nhiên từ xưa đến nay không có bất họ Sở nào xuất hiện.

Tất nhiên, vẫn không tránh khỏi trường hợp chia tay khi cả hai nhận thấy không hợp nhau, nhưng họ chia tay trong nhẹ nhàng, không cần hòa giải. Nếu là thanh niên từ nơi khác đến đây lấy vợ, họ lại theo phong tục phổ thông, tức không ngủ chung với cô gái trước khi chính thức thành vợ thành chồng. Phong tục này gần đây đã dần biến đổi, nhưng sự chân thành và niềm tin về nhau của người dân vẫn không thay đổi.

Theo những người cao niên trên đảo, nguồn gốc sâu xa của tập quán này là do những lưu dân đến định cư tại đây (từ thế kỷ XIX) vốn phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt trên đảo nên họ đã “thể tất”, tối giản rất nhiều nghi lễ có tính rườm rà ở quê hương bản quán. Lâu dần trở thành nét văn hóa có một không hai của người dân trên đảo. Cũng vì hoàn cảnh sống khó khăn nên tình làng nghĩa xóm của những con người sống nơi đầu sóng ngọn gió rất sâu nặng, quý trọng nhau.

Khi chúng tôi nói lời tạm biệt, các bà các cô cứ nồng nhiệt mời nán lại đến mai ăn giỗ, thưởng thức món bánh rồi hãy về. Tôi cứ nuối tiếc vì không thể nán lại thiên đường của lòng thành thêm được nữa nên hẹn ngày trở lại. 

MỚI - NÓNG