Nhà trường, phụ huynh ủng hộ
Sau 1 năm Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh thì các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội mới thực sự được “cởi trói” để tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển.
Có con năm nay vào lớp 6, chị Nguyễn Thị Lan Phương, quận Minh Khai (Hà Nội) cho biết, đã theo dõi, tìm hiểu thông tin từ năm trước để chuẩn bị tinh thần cho con. Tuy nhiên, cả chị và con bị quay tới chóng mặt vì năm 2018 ban đầu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án sẽ cho thi tuyển kết hợp xét tuyển nhưng sau đó không hiểu sao các trường “nóng” thuộc khối công lập cuối cùng vẫn đưa ra các tiêu chí để xét tuyển.
Năm nay, khi có thông tin Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và các trường THCS chất lượng cao sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực, chị Lan Phương cho rằng, đây là phương án tốt so với chỉ xét tuyển như mọi năm. “Nếu như xét tuyển, trường đưa ra các tiêu chí phụ sẽ không công bằng đối với những học sinh có năng lực nhưng không tham gia các kỳ thi. Do đó, khi tất cả các con được trải qua một bài kiểm tra, đánh giá sẽ công bằng hơn”, chị Lan Phương nói.
Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có thông tư sửa đổi của Bộ GD&ĐT, năm 2018, trường đã tổ chức cho kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bằng đề trắc nghiệm để tuyển sinh. Theo bà Dương, sau 3 năm tuyển sinh bằng xét tuyển, chất lượng học sinh không thể tốt bằng thi tuyển. Bởi các tiêu chí tuyển sinh mờ nhạt, có học sinh được giải bơi nhưng thực tế không biết bơi. Vì thế, khi được “cởi trói” trường thuận lợi hơn trong việc tuyển học sinh theo tiêu chí của mình. Trước thông tin, bùng phát lò luyện thi, bà Dương cho rằng, các trường nên có cách làm hợp lý sẽ tránh được chuyện luyện thi.
Các trường tự ra đề
Theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm này các trường THCS “nóng” tuyển sinh lớp 6 sẽ đồng loạt tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực kèm xét tuyển hồ sơ. Trong đó, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ xét tuyển vòng 1 và thi tuyển 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh ở vòng 2. Các trường chất lượng cao cũng tuyển sinh bằng xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực, trong đó điểm kiểm tra nhân hệ số 2.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, đề kiểm tra đánh giá năng lực do các trường tự ra, kể cả Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ông Đại cũng tin rằng, sẽ không có chuyện bùng phát các lò luyện thi bởi bài kiểm tra, đánh giá năng lực thực hiện theo hình thức trắc nghiệm. Kiến thức tập trung chủ yếu vào lớp 5 nhưng bao trùm cả khối tiểu học do đó lượng kiến thức rất lớn, khó có thể luyện thi. Chưa kể, từ nay đến tháng 6, không còn nhiều thời gian để học sinh, giáo viên có thể luyện thi. Trả lời về giải pháp hạn chế việc các giáo viên ra đề sẽ tổ chức các lò luyện thi, ông Đại cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có chỉ đạo các trường về việc lựa chọn giáo viên có năng lực, phẩm chất để ra đề. Tuy nhiên, ông Đại cũng thừa nhận, việc này sở chưa có thời gian nghiên cứu sâu.
Nhớ lại năm 2015, trong bối cảnh bùng phát nhiều trung tâm luyện thi vào lớp 6 các trường nổi tiếng như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS -THPT Nguyễn Tất Thành, Trường Marie Curie, Nguyễn Siêu (Hà Nội), THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM)…, ông Nguyễn Vinh Hiển khi đó là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký công văn gửi các Sở GD&ĐT chỉ đạo “cấm thi tuyển” vào lớp 6 đối với tất cả các trường trong và ngoài công lập. Khi đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh như thế nào là do từng trường xây dựng phương án. Việc Bộ “siết” phương thức tuyển sinh là nhằm đưa tất cả các trường hoạt động đúng quy định, không có trường chuyên, lớp chọn. Ngay sau đó, Hà Nội cũng lập tức có văn bản gửi tất cả các trường đề nghị “cấm thi tuyển”.
Mùa tuyển sinh lớp 6 năm 2015 khiến nhiều nhà trường phải rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Lãnh đạo một trường hot tuyển sinh lớp 6 trả lời báo chí cho rằng, khi trường chỉ tuyển khoảng 400 học sinh mà có đến 4.000 hồ sơ nộp vào thì không lẽ bốc thăm. Sau nhiều phương án, cuối cùng các trường phải “nghĩ” ra tiêu chí phụ là các giải thưởng để cộng điểm khuyến khích kèm học bạ.
Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ, phương án thi tuyển tối ưu và đảm bảo công bằng hơn cho học sinh, tuy nhiên điều ông lo lắng là từ đây sẽ bùng phát các lò luyện thi căng thẳng cho học sinh, tốn kém cho phụ huynh. Do đó, điều quan trọng là cách ra đề của các trường như thế nào. Theo hiệu trưởng này, nếu đề ra dễ, trường khó chọn được học sinh có chất lượng, ra khó những năm sau đó học sinh bắt buộc phải đi học thêm. Đặc biệt, khi các trường được giao việc ra đề tuyển sinh thì những giáo viên ra đề sẽ tổ chức các lò luyện thi là điều khó tránh khỏi. Theo hiệu trưởng này, để tránh tình trạng luyện thi, Sở GD&ĐT nên phụ trách việc ra đề.