Nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Vân Anh (quận Hai Bà Trưng) phải chi rất nhiều tiền để con trai học thêm chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Ngay từ đầu năm học, chị Vân Anh đã cho con học thêm 2 môn Văn và Toán, nhưng kết thúc học kỳ I điểm kiểm tra của con vẫn chỉ đạt mức trung bình. Khi đó, con chị bị cảnh báo có nguy cơ trượt cả trường thấp điểm chứ đừng hi vọng đến trường top giữa như dự định. “Hai mẹ con đã thực sự bị căng thẳng, khủng hoảng một thời gian. Sau đó, ngoài học ở trường, cả gia đình quyết tâm sẽ tìm giáo viên tốt nhất để vực kiến thức, lấy lại sự tự tin cho con đến thời điểm này đã tạm ổn”, chị Vân Anh kể.
Cũng theo chị Vân Anh, ban đầu chị cũng nghĩ không muốn ép con nhưng khi ở trong vòng xoáy mới thấy quá vất vả, áp lực. Con chỉ học tốt môn Toán, còn Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ đều ở mức trung bình, đặc biệt là ngoại ngữ giáo viên cũng cho rằng trong một thời gian ngắn khó có thể “nhồi nhét” được nên đành cố môn Toán để cứu môn khác. Chị tâm sự: “Nhiều đêm ngủ mơ thấy con thi trượt, tỉnh dậy mồ hôi chảy ướt đầm”. Trước kỳ thi, chị xác định, sẽ cho con đi thi như một trải nghiệm, thử sức nên thắng thua không quan trọng. Nếu con không đỗ, chị sẽ tìm hiểu cho con học trường ngoài công lập.
Tương tự, anh Trần Nguyên Dũng năm nay có con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường top trên là THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), nguyện vọng 2 là THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình). Anh Dũng bày tỏ sự lo lắng khi kỳ thi kề cận mà không biết con sẽ đối mặt với nó như thế nào. Anh Dũng tâm sự, suốt một năm học lớp 9, bố và mẹ thay nhau học cùng con. Kiến thức môn Toán lớp 9 rất rộng, Ngoại ngữ cũng rất nhiều từ mới buộc con phải ghi nhớ thì mới đọc hiểu được. Do đó, cả nhà thức khuya, dậy sớm theo con rất vất vả. Anh Dũng chia sẻ, khi đăng ký nguyện vọng vào trường Phan Đình Phùng gia đình cũng rất lo lắng vì những năm trước, trường này lấy điểm rất cao. Vì thế, không ít lần, anh và vợ dọa dẫm con “nếu không đỗ thì…”. Sau đó, một hôm, anh bắt gặp con gục khóc bên bàn học mới thấy ân hận vì mình đã ép con quá.
Theo tìm hiểu của PV, đến hôm nay, nhiều trường THCS vẫn tổ chức ôn luyện cho học sinh đến sát ngày thi nhằm củng cố, hệ thống lại kiến thức.
Giáo viên dạy toán một trường THCS quận Hai Bà Trưng cho rằng, năm ngoái chỉ thi 2 môn học sinh đã rất mệt mỏi, năm nay thi 4 môn thật sự cả cô lẫn trò đều bị quá tải. Như môn Toán, kiến thức trong sách giáo khoa rất rộng, còn môn Lịch sử đến tháng 4 mới công bố, học sinh không có nhiều thời gian để ôn tập.
Kiểm soát chặt thiết bị công nghệ cao
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi vào lớp 10 năm nay có nhiều đổi mới. Thay vì kết hợp xét tuyển và thi tuyển 2 môn Văn, Toán như trước thì năm nay thi tuyển 4 môn. Điểm 4 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử sẽ là căn cứ để các trường THPT tuyển sinh vào lớp 10.
Cũng theo ông Quang, với 85.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay ít hơn so với năm 2018 gần 10.000 em, song so với năm 2017 vẫn nhiều hơn 10.000 em. Kỳ thi này cũng có quy mô lớn nhất trong năm 2019 của Hà Nội. Do vậy, Hà Nội huy động 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có quy mô lớn, sự cạnh tranh khốc liệt, do đó lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cảnh báo các điểm thi kiểm soát thiết bị công nghệ cao. “Chúng ta không thể khám người của thí sinh vì vấn đề nhân quyền nhưng nếu thấy bất thường, chúng ta có thể yêu cầu kiểm tra”, ông Quang nói.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại Hà Nội diễn ra vào các ngày 2 và 3/6. Đây là năm đầu tiên thí sinh phải thi 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, thay vì 2 môn Toán, Văn như mọi năm.
Lịch thi vào lớp 10 tại Hà Nội: