Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Học sinh sẽ phải thi 4 môn

Việc đến tận tháng 3 sang năm, Sở GD&ÐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 trong cuộc đua căng thẳng vào lớp 10 sẽ gây lo lắng không cần thiết cho cả học sinh lẫn giáo viên
Việc đến tận tháng 3 sang năm, Sở GD&ÐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 trong cuộc đua căng thẳng vào lớp 10 sẽ gây lo lắng không cần thiết cho cả học sinh lẫn giáo viên
TP - Ngày 5/10, Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội ông Chử Xuân Dũng thông tin, sau khi Sở GD&ÐT Hà Nội trình phương án thi tuyển vào lớp 10, mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời chấp thuận phương án 1. Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong năm tới học sinh sẽ dự thi 4 môn gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn sẽ công bố vào tháng 3.

Theo phương án được duyệt, bài thi thứ 4 sẽ thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ 4 sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3/2019. Thời gian làm bài đối với các bài thi Toán, Ngữ văn là 120 phút, thời gian làm bài đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/ bài thi.

Vẫn gây áp lực cho học sinh?

Chị Trần Quỳnh Trang, có con là học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Tây Hồ chia sẻ, thi 4 bài nhưng hiện nay mới chỉ biết 3 môn, còn 1 môn đến tháng 3 mới biết, trong khi môn đó lại nằm trong 6 môn có thể bị chọn bất cứ môn nào. Do đó, học sinh ngoài việc học thêm 3 môn đã biết cũng rất lo lắng không biết sẽ thi môn nào để dành thời gian ôn tập.

Theo chị Trang, trước đó, từ tháng 4/2018 Hà Nội đã công bố phương án thi tuyển vào lớp 10 gồm Toán, Văn và một bài thi tổ hợp. Sau đó lại thay đổi và đến thời điểm này mới công bố 3 môn, nên chị và con sẽ không tránh khỏi tâm lý lo lắng.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng cho rằng, trong 3 phương án thì bà ủng hộ phương án 1, tức phương án vừa được duyệt. Bởi vì phương án 3 học sinh phải thi quá nhiều môn sẽ gây áp lực nặng nề, phương án 2 đã duy trì chục năm nay cũng cần có sự thay đổi. Tuy nhiên, theo bà Nga, phương án 1, ngoài 2 môn Văn, Toán thi tự luận, hai bài thi còn lại thi trắc nghiệm học sinh sẽ không bị nhiều áp lực như thi tự luận toàn bộ 4 bài thi.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho rằng, quan điểm của ông là không nên gây áp lực quá nhiều lên học sinh cấp 2. Vì thế, chỉ cần thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ là đủ cơ bản để học sinh lên cấp 3, khi đó có định hướng lựa chọn nghề nghiệp mới học thêm các môn khác.

Cũng theo ông Thống, quan điểm giáo dục muốn giảm tải nhưng cách làm vẫn luôn gây khó dễ cho học sinh. Chọn phương án  4 bài thi nhưng có 1 bài thi chưa công bố là nhằm chủ ý học sinh học đều tất cả các môn còn lại. tuy nhiên học sinh có hứng thú học tập hay không phụ thuộc nhiều vào phương pháp dạy học của giáo viên. Nếu học sinh không hứng thú thì ép buộc cũng không hiệu quả. Ông Thống cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi từ đầu năm học, trường chú trọng dạy học 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, các môn khác cũng không bỏ chương trình.

Hiệu trưởng một trường THCS khác cũng bày tỏ quan điểm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lâu nay gây căng thẳng rất lớn cho giáo viên lẫn học sinh. Tuy nhiên, để phù hợp xu thế và thúc đẩy khả năng ngoại ngữ thì việc lựa chọn phương án thi thêm môn Ngoại ngữ là đúng đắn. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng này, khi thi nhiều môn, cả giáo viên lẫn học sinh sẽ phải chịu áp lực rất nặng nề. Bởi vì, trường phải tuyển sinh theo tuyến, trình độ học sinh không đồng đều nên muốn đạt chỉ tiêu 60-70% học sinh vào trường công lập buộc giáo viên phải nỗ lực rất nhiều. 

Ngược lại với quan điểm của hiệu trưởng các trường THCS, hiệu trưởng các trường THPT lại cho rằng, cần phải có kiến thức cơ bản tất cả các môn nên phương án thi 4 môn là phù hợp.

Mọi năm, trung bình Hà Nội chỉ đảm bảo được khoảng 62% học sinh vào lớp 10 trường công lập, do đó kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn là nỗi ám ảnh của phụ huynh, học sinh. Năm 2017-2018, có khoảng 95.000 học sinh đăng ký dự thi, trong đó có 32.000 em trượt suất học trường công.

MỚI - NÓNG