Thi tuyển lãnh đạo... có lợi cho dân
> Sống với dân trong cuộc chiến khổng lồ
> Trần Đăng Khoa: Muốn làm quan thì phải thi tuyển
> Trao quyết định bổ nhiệm hai lãnh đạo thi tuyển
Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị nói về việc thi tuyển chức danh lãnh đạo. |
Đáng hoan nghênh
Ông nghĩ sao khi Quảng Ninh vừa tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở?
Tôi cho rằng đó là việc làm hết sức đáng hoan nghênh, bởi làm được như thế nghĩa là chỉ có lợi cho dân mà thôi.
Vì sao ông lại tin có lợi cho dân?
Vì bây giờ, đất nước mình còn nhiều vấn đề khó khăn lắm. Thế nên đòi hỏi phải có những người có tâm và có tầm để chịu trách nhiệm trước đất nước, đáp ứng nguyện vọng của dân. Nguyện vọng ấy đã tha thiết lắm rồi!
Phải chăng việc tổ chức thi tuyển này chính là đáp ứng nguyện vọng tha thiết của dân?
Đúng thế. Tôi cho đó là một phương sách hay trong số nhiều phương sách khác.
Đó là những phương sách nào vậy, thưa ông?
Là bầu cử dân chủ; là lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo. Mới đây, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Nghị quyết về việc lấy phiếu này rồi.
Chừng nào coi trọng nhân tài... mới phát triển được
Trên thực tế, từ năm 2005, Bộ Nội vụ đã chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo. Nhưng tính đến nay, số địa phương thực hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thế là quá ít đấy.
Theo ông, vì sao?
Tôi nghĩ có lẽ một phần vì Bộ không làm đến nơi đến chốn, ra chủ trương như thế nhưng lại không kiểm tra, đôn đốc người ta thực hiện. Thế nên, công tác cán bộ mới càng ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề như chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức... Cái này người ta cũng nói mãi rồi đấy thôi!
Nói mãi rồi mà có vẻ như tình hình không thay đổi là bao, thưa ông?
Để thay đổi được tình hình thì không thể một sớm một chiều và cần cả hệ thống vào cuộc, chứ không đơn thuần là trách nhiệm riêng của một bộ phận, cá nhân nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng, làm lãnh đạo thì phải dám nhìn thẳng vào sự thật, không thể tự ru ngủ rằng ta làm tốt cả rồi.
Nếu làm tốt thì dân đâu đến nỗi khổ thế, khi mà trẻ con đi học mặc phong phanh dưới trời giá rét, rồi thì cầu qua sông thiếu khiến dân phải đu dây qua sông? Muốn đất nước đi lên thì phải có nhân tài gánh vác. Chừng nào coi trọng điều đó thì mới phát triển được.
Theo ông, hiện nay, nhân tài đã thực sự được coi trọng chưa?
Tôi tin, ở ta thời nào nhân tài cũng được coi trọng. Từ thời phong kiến đã khẳng định đó là nguyên khí quốc gia kia mà! Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tuyển chọn được người tài.
Tìm được người vừa có tâm vừa có tầm liệu có khó, khi mà đồng lương vẫn bị kêu ca rằng không đủ sống và chuyện mua quan bán chức nói mãi rồi cũng không thay đổi là bao?
Đó là vấn đề không hề đơn giản đâu. Cũng đã có lần tôi nói rồi, muốn thu hút nhân tài thì phải đảm bảo được khoản lương, thưởng, chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Bây giờ, nhiều địa phương cũng "trải thảm đỏ" đón nhân tài rồi nhưng đâu đó vẫn có chuyện "sống lâu lên lão làng", rồi thì chạy chọt, cào bằng. Làm thế là kìm hãm sự phát triển đấy! Muốn khắc phục thì phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng thôi. Thi tuyển là một ví dụ.
Ai lại "vừa đánh trống vừa thổi còi"?
Có vẻ ông rất tin tưởng cách làm của Quảng Ninh sẽ tìm được những cán bộ có tâm, có tầm?
Tôi tin chứ!
Nhưng nhiều người lại tỏ ra nghi ngại về thực chất của việc thi tuyển ấy?
Xét về cách làm thì rõ ràng cơ hội tìm được người có tâm, có tầm sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, nếu như Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức thi tuyển nhưng lại là người chấm điểm thì có vấn đề đấy. Ai lại "vừa đánh trống vừa thổi còi" thế?
Anh là người tổ chức thi tuyển thì phải có hội đồng chấm thi hoàn toàn khách quan chứ. Tôi không biết những người chấm điểm là ai, có đảm bảo khách quan, vô tư, trung thực hay không? Có cam kết, quy chế nào ràng buộc họ không? Nhưng nếu không làm được như thế thì người ta nghi ngờ kết quả cũng phải.
Ý ông là cách làm ấy chẳng khác gì "bình mới, rượu cũ"?
Nếu như kết quả ấy không được chấm bởi một hội đồng khách quan, là những người thực sự có tâm và tầm thì nói nó là "bình mới, rượu cũ" cũng không phải không có cơ sở. Nhưng dẫu sao thì làm như Quảng Ninh cũng là một tín hiệu. Cần nhân rộng nó ra.
Thải những người không xứng đáng
Theo ông, ta có cần tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo?
Tại sao không? Trước đây ta hoàn toàn dựa vào bầu cử, phê chuẩn. Mà thực tế bầu cử, nhiều khi người ta "vận động hành lang", hứa hẹn này nọ khiến người bỏ phiếu nghe bùi tai, thế là trúng thôi.
Trúng cử rồi ông cứ ngồi yên vị cho hết nhiệm kỳ, có thấy mấy ai tự động từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ đâu. Thế nên, nếu coi việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là khâu sau để kiểm nghiệm, loại thải những người không xứng đáng thì việc thi tuyển chính là khâu đầu vào, là một cách để tinh lọc bộ máy.
Cần như thế thì nên thi tuyển chức danh lãnh đạo ở những cấp nào?
Tôi nghĩ nên làm ở cả cấp Bộ chứ không chỉ dừng lại ở cấp địa phương.
Đâu sẽ là khâu cốt yếu để việc thi tuyển ấy không "bình mới, rượu cũ", thưa ông?
Tôi cho rằng việc thi tuyển thôi là chưa đủ mà phải có cơ chế rõ ràng, đảm bảo khách quan, minh bạch chứ đừng bịt mắt thiên hạ. Nhất thiết phải có một hội đồng chấm thi độc lập gồm những người thực sự có tài, có đức và không bị tác động bởi ai đó, cơ quan nào đó trong việc xét kết quả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo Vũ Thủy
Kiến thức