Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính: Muốn thuận lợi phải tăng chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 10/2, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 (trực tuyến) với chủ đề “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc”. TS Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, thương hiệu cho nông sản Việt Nam là vấn đề rất “đau đầu”, trong khi chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn.

Cần phát triển công nghệ bảo quản

Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nhu cầu thị trường rau quả trên thế giới đang có tín hiệu tích cực và vị trí mặt hàng rau quả Việt Nam hiện có chỗ đứng nhất định. Đây là thuận lợi song cũng là khó khăn khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài.

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính: Muốn thuận lợi phải tăng chất lượng ảnh 1

Sầu riêng tăng giá mạnh từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Cảnh Kỳ

“Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên phía DN Việt Nam cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm... đối với rau quả XK. Cần thiết để cho thế giới thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, vùng nguyên liệu lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe, khắc phục tồn tại về vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún đã diễn ra nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung phát triển công nghệ bảo quản để thúc đẩy XK sang nhiều thị trường hơn nữa” - ông Tùng kiến nghị.

Ông Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Năm 2022, DOVECO đã tập trung đẩy mạnh XK các mặt hàng sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021. DN đã tập trung XK các mặt hàng chanh leo tươi, chanh leo chế biến, nước chanh leo vào thị trường Trung Quốc; XK sản phẩm chuối vào các tỉnh phía bắc Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều sản phẩm trái cây khác như dứa, xoài, sầu riêng, thanh long…

Theo ông Thành, để có thể XK sản phẩm rau quả một cách thuận lợi, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng Trung Quốc là rất quan trọng. “Thời gian qua DOVECO vẫn tích cực tham gia các hội chợ tại nước bạn. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt” - đại diện DOVECO nói và kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục tạo điều kiện để các DN Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản Việt trong thời gian tới.

Thị trường không còn "dễ tính"

TS Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng, quan điểm sai lầm của nhiều người là thị trường Trung Quốc "dễ tính", sự thật không phải như vậy. Các DN không nên “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng", bà My lưu ý.

Nói về tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, TS My cho biết, đây là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam nhưng dân số nhiều hơn Việt Nam (107 triệu dân) và GDP đứng thứ 3 toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines…

“Thời gian tới, Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn đầu tư thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất (địa điểm tại Thượng Hải), dự kiến vào tháng 4. Nội dung chính bàn về XK nông sản Việt Nam sang nước bạn” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường là tin mừng đối với DN hai nước, song cũng là thách thức với các DN XK Việt Nam. Tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248, 249, các DN phải thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu phía bạn.

Về thực hiện liên kết, các DN cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.

Thứ trưởng Nam đề nghị Cục Chăn nuôi sớm trình thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến, để sớm hoàn tất các thủ tục. Về chuẩn bị cho XK ớt, khoai lang, chanh leo, các tỉnh có nhiều sản phẩm này cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký; các tỉnh muốn tổ chức lễ xuất hàng lô đầu tiên cần đề nghị sớm với Bộ NN&PTNT...

Việt Nam hiện có 16 mặt hàng nông sản đang XK sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt và chanh leo.

MỚI - NÓNG