Thị trường tiền số không tránh được làn sóng bán tháo khỏi các loại tài sản rủi ro cao |
Tiền điện tử đang bị bán tháo trong làn sóng thoát khỏi những tài sản có rủi ro lớn, sau khi số liệu được công bố gần đây cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục cao, khiến giới đầu tư lo ngại hơn về tác động kinh tế từ chính sách thắt chặt tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đang thực hiện.
Làn sóng bán tháo làm mất tổng giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử hơn 1,2 nghìn tỷ USD, thấp hơn một nửa so với thời điểm tháng 11 năm ngoái, theo số liệu từ CoinMarketCap.
Ngày 12/5, bitcoin - đồng tiền số lớn nhất thế giới về mức vốn hoá - rơi xuống 25.401 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 28/12/2020, dù phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch buổi chiều.
Trong 8 phiên qua, nó đã mất hơn 1/4 giá trị, tương đương khoảng 10.700 USD, cách xa mức đỉnh điểm 69.000USD vào tháng 11/2021.
Mối tương quan giữa bitcoin và chỉ số Nasdaq tăng lên trong thời gian gần đây và giờ đã cận ngưỡng cao nhất mọi thời đại, theo số liệu của Refinitiv. Chỉ số Nasdaq đã sụt khoảng 8% trong từ đầu tháng này.
Ether – đồng tiền số lớn thứ hai thế giới – cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021, về giá 1.700USD.
Trong những các làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính trước đây, tiền số gần như không bị tác động. Nhưng lần này, áp lực bán ra đối với các loại tiền số đang làm mất niềm tin rằng chúng là loại tài sản dữ trữ đáng tin cậy khi thị trường biến động mạnh.
Giữa làn sóng bán tháo, đồng yen Nhật tăng mạnh nhất trong ngày 12/5, lên mức 129,14/USD, tương đương 1,2%. Đây là đợt giảm mạnh nhất theo ngày của đồng đô la Mỹ trong năm nay, trong khi tỷ giá euro/yen giảm tới 2,5%.
“Yen có lẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự chuyển dịch của thế giới, từ ưu tiên lợi suất sang ưu tiên độ an toàn”, Alan Ruskin, chiến lược gia vĩ mô tại Deutsche Bank, đánh giá.